Chứng minh câu tục ngữ “Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” – Văn mẫu hay lớp 8

Chứng minh câu tục ngữ "Một cây làm chẳng nên non …" – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Cần Thơ

Tục ngữ Việt Nam rất phong phú và thể hiện ở mọi mặt của đời sống xã hội. Nó là lời đúc kết những kinh nghiệm của cha ông và được chuyển thành vần thơ rồi để lại cho con cháu học tập và rèn luyện, trong đó có câu:

Loading...

“Một cây làm chẳng nên non 

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. 

Câu tục ngữ nói lên sức mạnh của sự đồng lòng, đoàn kết, gợi lên hình ảnh rất sinh động: một cây bé nhỏ, đơn độc thì “làm chẳng nên non” nhưng “ba cây chụm lại” thì “nên hòn núi cao”. “Ba cây” chỉ là cách nói ước lệ, khái quát của dân gian ý chỉ “nhiều cây thì sẽ nên rừng”.Nhưng nếu chỉ nói chuyện cây và núi thì câu tục ngữ đã không sống lâu bền trong dân gian Việt Nam như vậy. “Một cây” và “ba cây” là hình ảnh của cá nhân và tập thể. Và “non”, “núi cao” là hình ảnh của những công việc khó khăn, nặng nhọc.

Bằng những kinh nghiệm xương máu của mình, ông cha ta đã đưa ra một nhận định: một cá nhân đơn lẻ thì khó làm nên việc lớn; muốn làm được những công việc khó khăn, vất vả con người phải biết đoàn kết, hợp lực với nhau. Đó chính là bài học về tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng. 

Lời răn dạy của cha ông  thể hiện trong câu tục ngữ được dân tộc ta chứng minh qua nhiều thế hệ bằng thực tế cuộc sống chiến đấu và lao động của dân tộc. Trong những cuộc kháng chiến gian khó, nguy hiểm nhất của dân tộc, nhân dân ta vẫn đoàn kết một lòng vượt qua để chiến đấu và chiến thắng. Thế kỉ mười ba, đất nước ta phải đương đầu với kẻ thù hùng mạnh nhất thếgiới khi ấy: quân xâm lược Mông – Nguyên. “Vó ngựa Mông – Nguyên chạy tới đâu cỏ cây không mọc được đến đấy”, chúng đã đi từ Đông sang Tây, chiếm được những vùng đất đai rộng lớn và nay cũng ôm mộng xâm lược Đại Việt. Nhưng nhân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của vua tôi nhà Trần đã không cam tâm chịu thua. Vua Trần đã tổ chức nhiều hội nghị nhằm lấy ý kiến và tập hợp sức mạnh toàn quân, toàn dân. Từ hội nghị Bình Than đến hội nghị Diên Hồng, đâu đâu cũng vang lên tiếng hô “Đánh! Đánh!”. Với sức mạnh như vũ bão của cả một dân tộc, ba lần quân Mông – Nguyên xâm lược là ba lần chúng phải rút chạy nhục nhã. Bước vào thế kỉ hai mươi, thế kỉ của những giông bão thời đại, đối mặt với sự xâm lược của hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới: thực dân Pháp, đế quốc Mĩ, dân tộc ta vẫn phát huy tinh thần đoàn kết keo sơn. Bác Hồ đã kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” “bất kể đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ không phân biệt tôn giáo đẳng cấp” đều đứng lên chống giặc. Ngay cả khi miền Bắc đã được giải phóng, miền Bắc vẫn gồng mình chung tay sản xuất để chi viện cho miền Nam đánh Mĩ. Những phong trào lao động sản xuất nổi lên như sóng cồn: “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Lao động giỏi”, “Cờ ba nhất”, “Ba sẵn sàng”… Và rồi, qua những năm trường kì kháng chiến gian khổ, cách mạng đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Từ Cách mạng tháng Tám đến chiến thắng của dân tộc là bản hùng ca ca ngợi sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý chí sắt đá và trí tuệ phi thường của con người Việt Nam bé nhỏ. Sau này Bác Hồ đã tổng kết: “Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy (yêu nước) lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước…”. 

Trong cuộc sống, thậm chí cũng như trong lịch sử đã chứng minh về những hạn chế của sự đơn độc. Đó là cha con Hồ Quý Ly vì cướp ngôi nhà Trần làm mất lòng dân nên phải đơn phương trong cuộc chống giặc Minh xâm lược: “Không sợ đánh giặc chỉ sợ lòng dân không theo”. Và quả thực, nhà Hồ đã không đoàn kết được nhân dân làm mất nước ta vào tay giặc. Đó còn là bè lũ Lê Chiêu Thống làm li tán lòng người để kẻ thù ngoại bang tranh thủ cơ hội xâm lược nước ta… Lịch sử sẽ mãi lấy đó làm những bài học đắt giá. 

Ngày nay, tiếp thu bài học của cha ông, đất nước ta đang phát huy sức mạnh đoàn kết toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để xây dựng đời sống đưa đất nước phát triển hội nhập với thế giới. Để xứng đáng với vai trò của những chủ nhân tương lai của đất nước, những người học sinh chúng em cần biết học tập tinh thần đoàn kết để xây dựng tập thể lớp vững mạnh và đặc biệt là để tạo nên mối quan hệ hòa thuận, yêu thương trong gia đình của mình.

Câu tục ngữ có ý nghĩa thật lớn lao đối với thế hệ trẻ chúng ta. Hiểu rõ về ý nghĩa của câu tục ngữ, dân tộc Việt Nam có sự gắn bó đoàn kết chặt chẽ hơn, mọi khó khăn gian khổ đều được vượt qua và nhanh chóng sánh vai với năm châu bốn bể.

Chứng minh câu tục ngữ "Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại nên hòn núi cao" – Bài làm 2

Bài học về đoàn kết đã ăn sâu vào tâm hồn nhân dân, kết tinh thành ca dao, tục ngữ như một niềm tin về chân lí sâu sắc, cao đẹp:

"Một cày làm chẳng nên non
 Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

Một cây không thể làm nên non, nên núi, nên rừng. Đó là một sự thật hiển nhiên, ai cũng dễ dàng nhận thầy. Nhưng “ba cây” tượng trưng cho nhiều cây, cho rừng cây thì có thể tạo nên “non", nên "núi”, không chỉ là “núi thấp” mà là “núi cao”. Từ "một cây" đã chuyển thành “ba cây”, số lượng đã thay đổi từ ít thành nhiều nên chất lượng cũng biến đổi. Yếu tố quyết định của sự vận động từ "lượng" biến thành "chất" là sự “chụm lại” của “ba cây”, của số đông. Như thế mới có núi cao".  Chụm lại là hành động, là biểu hiện tâm lí thể hiện sự đồng tâm nhất trí, sự hợp lực và sự đoàn kết gắn bó. “Cây” trong câu tục ngữ được nhân hóa, trở thành ẩn dụ, một biểu tượng rất sống động và thấm thía nói lên tình yêu thương, tinh thần đoàn kết của cộng đồng, của dân tộc. Câu tục ngữ:

"Một cây làm chẳng nên non 
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao". 

Đã nêu lên một bài học vô cùng quý báu về sự hợp lực, về tinh thần đoàn kết để tạo nên sức mạnh to lớn của cộng đồng dân tộc. Lịch sử và cuộc sống, thơ văn và thực tế đã có biết bao sự việc, hình ảnh sống động nói về đoàn kết và sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta.Từ thời xa xưa, với công cụ thô sơ, người Việt đã bạt rừng, lấn biển, đắp đê đào kênh để làm nên những cánh đồng màu mỡ, bát ngát mênh mông:

"Việt Nam đắt nước ta ơi!
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn?"

Thần thoại dân tộc Lô Lô đã kể lại hình ảnh đoàn người đông đảo, đồng sức đồng lòng, bền bỉ và dũng cảm kéo nhau “đi san mặt đất” để xây dựng cuộc sống hạnh phúc lâu dài: “Giống nào cũng không đi – Người gọi nhau làm lấy – Nhiều sức chung một lòng – San mặt đất cho phẳng – Nhiều tay chung một ý – San mặt đất làm ăn”. "Nhiều sức" và “nhiều tay” lại biết “chung một lòng”, “chung một ý” nên mới có sức mạnh to lớn “san mặt đất làm ăn” như vậy.

Con đê sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Lam, v..v… sừng sững như những dãy trường thành, ngăn lũ, bảo vệ những cánh đồng màu mỡ thẳng cánh cò bay là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết và ý chí của triệu triệu con người Việt Nam qua hàng ngàn năm lao động quyết tâm chiến thắng thiên tai để được sống trong ấm no, hạnh phúc.

Trong chiến đấu cũng vậy, đoàn kết là sức mạnh vô địch để giáng trả và đánh thắng quân xâm lược. Hội nghị Diên Hồng đời Trần với tiếng hô “Quyết chiến! Quyết chiến!” của các bô lão “tuổi già thế kỉ” biểu thị cho lòng yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và tướng sĩ để đánh thắng giặc Nguyên – Mông. Cho đến nay, câu nói của người anh hùng Trần Quốc Tuấn vẫn còn in sâu trong lòng người về bài học đại đoàn kết dân tộc: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”.

Đoàn kết để đánh giặc. Đoàn kết để khắc phục khó khăn, để chiến thắng “giặc dốt, giặc đói”, “giặc ngoại xâm”, để khắc phục khó khăn nghèo nàn lạc hậu. Hồ Chí Minh qua bài thơ Hòn đá nhằm giáo dục nhân dân ta bài học về sức mạnh “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”:

"Hòn đá to
Hòn đá nặng
Nhiều người nhắc
Nhắc lên đặng!"

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ vừa qua, Mặt trận Liên Việt, “Mặt trận đoàn kết” dưới sự lãnh đạo của Đảng là tổ chức yêu nước của nhân dân ta thể hiện sâu sắc tư tưởng vĩ đại của Hồ Chí Minh:

"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công".

Ngày nay trên con đường phát triển nền nông nghiệp, công nghiệp hiện đại, văn hóa tiên tiến… phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, nhân dân ta đã và đang nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc khép lại quá khứ, hướng về tương lai.

Hàng triệu con người đồng tâm, nhất trí, góp sức, góp tiền của… cùng nhau xây dựng Tổ quốc. Hầu như địa phương nào cũng có những thành tựu đầy tự hào biểu thị sức mạnh đoàn kết dân tộc trong kiến thiết hòa bình. Thủy điện Hòa Bình, thủy điện Trị An, thủy điện Y-a-ly, công trình tải điện 500KV xuyên Việt, công cuộc khai phá vùng đồng bằng sông Cửu Long… Mỗi công trình là một bài ca hào hùng về lao động sáng tạo và đoàn kết toàn dân.

Câu tục ngữ: “Một cây làm chẳng nên non – Ba cây chụm lại nên hòn núi cao" hàm chứa bài học đoàn kết vô cùng sâu sắc. Đoàn kết không chỉ cho ta sức mạnh vô địch mà còn là suối nguồn của hạnh phúc, yêu thương và no ấm. Nó như ngọn lửa thần kì thắp sáng niềm tin và lòng tự hào dân tộc. Sức mạnh Việt Nam, tư tưởng nhân nghĩa Việt Nam bắt nguồn từ tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Thu Thủy (tổng hợp)

Đánh giá bài viết

Ứng dụng VĂN MẪU TỔNG HỢP trên điện thoại với hơn 30k bài văn mẫu hay nhất, giải bài tập SGK, soạn văn đầy đủ chi tiết. Hãy tải App ngay để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn nhé!

TẢI APP CHO ANDROID

Nếu thấy bài viết hay, hãy động viên và chia sẻ ban biên tập! Các bình luận không phù hợp sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.

Loading...
LIKE ỦNG HỘ TÁC GIẢ