Xem nhanh nội dung
- 1 Em hãy kể về một tấm gương sáng trong học tập khiến em noi theo – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Gia Lai
- 2 Kể về một tấm gương tốt trong học tập – Bài làm 2
- 3 Kể lại một tấm gương tốt trong học tập hay trong việc giúp đỡ bạn bè mà em biết – Bài làm 3
- 4 Kể về một tấm gương tốt trong học tập hay trong việc giúp đỡ bạn bè mà em biết – Bài làm 4
Em hãy kể về một tấm gương sáng trong học tập khiến em noi theo – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Gia Lai
Ở năm học lớp 5, em có một người bạn thân. Bạn đó tên Tuấn. Bạn là một học sinh giỏi, là một tấm gương tốt trong học tập và hay giúp đỡ bạn bè.
Tuấn là người mà cô và các bạn trông cậy nhất. Trong lớp, môn học nào Tuấn cũng phát biểu và đóng góp ý kiến nhiều nhất. Bài làm của bạn ấy lúc nào cũng 9 với 10 điểm. Bài nào các bạn chưa hiểu rõ, Tuấn giảng giải từng li từng tí cho các bạn hiểu. Giờ ra chơi, Tuấn bỏ ra 10 phút để dò lại các kiến thức của những bạn học yếu.
Có một lần, em để quên cả hộp bút ở nhà. Tuấn biết, nhưng bạn ấy không nói cho cô và còn vui vẻ hi sinh cây bút duy nhất của mình để cho em mượn, nên hai đứa đã lén lút thay phiên nhau cầm bút chép bài. Lúc đó, Tuấn làm cho em rất cảm phục và cảm thấy mến bạn hơn.
Một lần khác, em bị sốt cao phải nghỉ học hết hai ngày. Em định gọi điện thoại nhờ Tuấn đến giảng bài. Vừa nhấc máy lên, chưa kịp bấm số, thì em nghe Tuấn gọi: "Duy ơi! Bạn có nhà không? Mình đến thăm bạn đây!". Không ngờ Tuấn đã tranh thủ làm hết bài ở nhà, rồi đem vở đến giảng cho em. Tuấn còn chép phụ bài giúp em nữa. Hôm ấy, em cảm động xuýt rơi nước mắt. Nhờ vậy mà tình bạn giữa em và Tuấn càng thân thiết và gắn bó hơn.
Có một hôm, vào giờ ra chơi, em cùng Tuấn đang ngồi đọc truyện trên ghế đá, thì thấy một người bạn khác lớp bị té trước mặt, ngồi ôm chân đau đớn. Tuấn liền chạy tới đỡ bạn dậy, phủi quần áo cho bạn và hỏi: "Bạn có đau lắm không? Để mình giúp bạn". Thế mà em vẫn ngồi trên ghế đá, cầm cuốn truyện, nhìn Tuấn. Tuấn quay lại chỗ ngồi, vậy mà không hề mở lời trách móc em mà vui vẻ cùng em đọc tiếp cuốn truyện. Có lẽ Tuấn muốn giữ nguyên vẹn tình bạn giữa hai đứa.
Trên lớp, bạn ấy còn hay trực nhật phụ các bạn. Vào những cuộc thi đua của khối năm, lớp em luôn đoạt giải nhất nhì là nhờ bạn. Cả lớp, ai cũng tự hào về Tuấn.
Được cô giáo thương, các bạn trông cậy và tin tưởng như vậy mà Tuấn không tỏ ra tự cao, hống hách, thật đáng khâm phục. Tuấn đúng là cháu ngoan của Bác Hồ.
Em rất tự hào vì có một người bạn thân như Tuấn. Em thấy mình còn phải học hỏi thêm nhiều điều ở Tuấn. Qua những sự việc trên, em sẽ cố gắng phấn đấu để được như Tuấn, luôn có trong mắt của cô và các bạn, để được trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
Kể về một tấm gương tốt trong học tập – Bài làm 2
Trước đây, em thường nghĩ rằng trong cuộc sống hằng ngày, không phải ai cũng có cơ hội để làm việc tốt. Nhưng rồi một chuyện xảy ra tuần trước đã khiến em hiểu là không phải như vậy. Em đã được chứng kiến một tấm gương người tốt việc tốt ngay trên đường phố.
Hôm ấy, trên đường đi học về, ngang qua một ngã tư, em đứng chờ ở phần đường dành cho người đi bộ. Vừa đói, vừa mệt, em chỉ mong đèn đỏ bật lên cho dòng xe cộ dừng lại để qua đường. Chăm chú nhìn vào cột đèn tín hiệu, em chẳng để ý gì đến những người xung quanh. Bỗng có tiếng: Bà ơi, khoan đã, chưa sang được đâu bà ạ! Em quay lại thì thấy một bà cụ đang định bước xuống lòng đường. Dòng xe cộ vẫn ào ào lướt tới. May quá, một bàn tay đã kịp kéo bà đứng lại. Đèn đỏ bật lên, em bước nhanh qua.
Ngoái lại, em thấy một bạn thiếu niên đang dắt bà cụ qua đường. Sang đến nơi, bà ấy chỉ đường cho bà cụ đi xuôi xuống cuối phố. Bà cụ chống gậy dò dẫm từng bước. Còn bạn thiếu niên ấy đã hòa lẫn trong dòng người đông đúc.
Việc làm của bạn ấy đã đánh thức trong em sự quan tâm đến mọi người, dù là những người mình thoáng gặp trên đường. Em chợt hiểu ra rằng ai cũng có cơ hội để làm việc tốt, chỉ cần mình có một trái tim nhân hậu.
Kể lại một tấm gương tốt trong học tập hay trong việc giúp đỡ bạn bè mà em biết – Bài làm 3
Thương người như thể thương thân – bài học về lòng yêu thương, đùm bọc con người, đặc biệt khi khó khăn, hoạn nạn luôn được bà dạy tôi qua những câu chuyện cổ tích. Nhưng có lẽ, bài học sâu sắc nhất tôi đã được học qua Hà – người bạn cùng lớp với tôi.
Hôm đó là một ngày mùa đông giá rét. Chúng tôi đi học trong cơn gió lạnh như cắt da cắt thịt. Hà và tôi cùng nhau đến trường. Vừa đến lớp, chúng tôi thấy lớp học mới rực rỡ làm sao! Cả lớp tràn ngập màu sắc của những chiếc áo khoác, áo len kiểu cách. Đa phần các bạn trong lớp đều là con nhà khá giả. Chúng tôi có quần áo ấm và đẹp; sách vở, đồ chơi rất nhiều. Bên cạnh đó, lớp tôi còn có một vài bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng học rất giỏi. Cứ nhìn cách ăn mặc và các đồ dùng là có thể phát hiện ra các bạn ấy trong lớp của tôi. Chúng tôi ít tiếp xúc với nhau vì những buổi sinh hoạt chung, những bữa tiệc sinh nhật thường không có mặt bạn ấy.
Sát giờ học mới thấy Phương hối hả chạy đến. Cả lớp ồ lên vì Phương vẫn như thường ngày, chỉ mặc'trên mình hai chiếc áo mỏng và đi đôi dép xăng đan giản dị. Đôi môi bạn thâm tím, nhạt nhợt vì lạnh. Vào đến lớp, bạn cúi đầu vì không muốn nhiều người thấy bạn đang co ro, run rẩy. Mặc dù Phương nhỏ nhắn, nhút nhát nhưng rất thông minh. Tôi đã nghe về hoàn cảnh khó khăn cùa gia đình Phương, về một người cha thương binh và một người mẹ bán hàng rong nhưng vì khoảng cách giữa chúng tôi rất xa nên tôi chưa có dịp để an ủi, động viên bạn. Cả lớp tôi cũng thế. Thấy Phương ăn mặc như vậy, các bạn chỉ cười hoặc bĩu môi, cho rằng Phương không biết chăm cho bản thân thì cố mà chịu. Chỉ có Hà là không yên, thỉnh thoảng lại quay xuống cuối lớp nơi Phương ngồi, Tôi không thể tập trung được vì bím tóc của Hà cứ lúc lắc trước mặt, vẫn biết Hà là người giỏi văn, có tâm hồn dễ xúc động nhưng đối với tôi lúc ấy chẳng có gì quan trọng hơn bài toán cô sắp chấm và bài về nhà cho môn sau. Tôi cũng không để ý một điều rằng trong suốt giờ học toán ấy không thấy Phương phát biểu – điều mà ít thấy ở một người ham học toán như bạn.
Đến giờ chơi, không thấy Hà quay xuống nói chuyện với tôi như thường ngày, tôi đưa mắt tìm. Hà đang ở cuối lớp – chỗ Phương. Và cái gì kia? Tôi dường như không tin vào mắt mình nữa. Một người được cưng chiều như Hà đang cởi chiếc áo ấm của mình để nhường cho Phương trong khi thời tiết rất giá lạnh. Tỏi thấy Phương lắc đầu, tỏ ý từ chối nhưng sau khi đọc điều gì đó Hà viết trên mảnh giấy thì Phương đã mặc chiếc áo ấm của Hà vào. Khi Hà về chỗ ngồi, tôi liền hỏi ngay về chuyện vừa diễn ra. Hà nói:
– Phương ở sát nhà tớ, là người thường xuyên chép bài hộ tớ mỗi khi tớ bị ốm. Dạo này thời tiết lạnh nên gánh hàng của mẹ bạn ấy rất ế ẩm. Bạn ấy không có áo khoác ấm nên đã bị viêm họng suốt mấy hôm nay rồi. Vì vậy, tớ đã quyết định nhường cho bạn ấy cái áo của mình.
– Nhưng cậu đã nói gì để Phương đồng ý?
– Tớ nói rằng bố mẹ tớ rất quý bạn ấy nên đã đồng Ý cho tớ tặng bạn ấy chiếc áo. Với cả hôm nay tớ mặc rất nhiều áo len. Khi đi đón tớ, bô tớ sẽ mang thêm cho tớ áo khoác nữa nên tớ sẽ không bị lạnh.
– Nhưng tại sao cậu lại quyết định làm việc đó? – Tôi cố hỏi thêm.
– Tớ rất khâm phục một người tốt bụng và chăm chỉ như Phương. Để một thời gian nữa mới tặng, tớ sợ bạn ấy sẽ không có đủ sức khỏe để học tập. Bố mẹ tớ nói, trong cuộc sống còn rất nhiều người khó khăn, chúng ta phải biết giúp đỡ họ trong khả năng của mình. Chính những người biết vượt lên khỏi hoàn cảnh mới thực sự là tấm gương sáng để mình học tập cậu ạ!
Nghe Hà nói, tôi hiểu ra mọi chuyện. Có lẽ do tôi và các bạn quá vô tâm. Chúng tôi rất tích cực ủng hộ những chương trình cứu trợ trên báo đài mà dường như quên mất những người xung quanh mình.
Tôi cảm động trước hành động của Hà. Tôi quyết định sẻ bỏ qua những ngại ngần để giúp đỡ những người còn khó khăn trong cuộc sống.
Kể về một tấm gương tốt trong học tập hay trong việc giúp đỡ bạn bè mà em biết – Bài làm 4
Đến bây giờ, dù hai đứa học hai trường khác nhau nhưng tôi vẫn đến nhà và chơi với Sinh. Tôi rất cảm phục Sinh vì những việc mà Sinh đã làm cho Mai – người hàng xóm và cũng là bạn học của tôi và Sinh hồi tiểu học.
Ngày ấy tôi lên lớp Năm. Lớp tôi học có nhiều bạn chuyển đến lắm, nên lớp không được đoàn kết. Giờ ra chơi, ai mới chuyển đến, không quen biết bạn thì phải chơi một mình, còn những người học lớp cũ thì có bạn cũ để chơi. Tôi chơi thân với Mai từ hồi học mẫu giáo. Hai đứa nhà đều gần nhau, bố mẹ lại là bạn thân nên tôi coi Mai như em. Gia đình hai nhà khá giả nên tôi và Mai được đi học thêm ở nhiều nơi và tham gia nhiều câu lạc bộ thể thao, văn hóa. Lúc nào hai đứa cũng liền với nhau. Trong số những bạn mới vào lớp có bạn tên là Sinh, vừa ở quê ra. Chắc vì hay đi chơi nên da bạn đen nhưng khỏe. Sinh lầm lì, ít giao tiếp nhưng học rất giỏi và có tài. Sinh biết đánh đàn oóc-gan. Cứ đến giờ hát là Sinh lên đánh đàn, lại hát mẫu cho cả lớp. Chúng tôi phục Sinh lắm. Một lần tôi và Mai ra Hồ Tây chơi. Thấy nước mát, Mai đi xuống những bậc thang dưới hồ múc nước rửa tay. Mai cuối xuống bỗng trượt chân ngã. “Mai không biết bơi”. Tôi nhớ ra. Tôi định trèo xuống, bơi cứu Mai thì chân tôi bị chuột rút. Tôi sợ quá, kêu to: “Cứu, cứu với, có người chết đuối”. Chưa kêu hết câu, tôi thấy có bóng đen lao xuống nước. Tôi lết ra, Sinh, đúng cậu ấy. Sinh dìu Mai vào bờ. Mai ngất đi. Tôi phải hô hấp nhân tạo cho Mai và hét to: “Đi gọi bác sĩ”. Sinh vù đi. Năm phút sau, bác sĩ đến… Mai nằm khóc, bố mẹ Mai cũng thế. Tôi ngồi nắm chặt tay Mai. Mẹ Mai dựa đầu vào vai bố Mai nấc lên từng tiếng rõ rệt. Bác sĩ đã cố hết sức, nhưng cánh tay phải của Mai đã vĩnh viễn không cử động được. Từ đó Mai lầm lì, mặc cảm với chính mình. Chỉ có tôi và Sinh – ân nhân của Mai – là có thể lại gần Mai. Làm sao Mai có thể đi học? Tôi hỏi Sinh, Sinh trả lời ngay: Tập viết lại bằng tay trái. Hằng ngày, dưới sự hướng dẫn của Sinh và góp ý của tôi, Mai phải tập viết. Năm tháng trôi mau, Mai phục hồi nhanh chóng và chẳng bao lâu đã thích ứng với hoàn cảnh. Tôi luôn bên Mai an ủi và Sinh luôn có mặt kịp thời, khi có kẻ nào chế giễu Mai hay trêu chọc hai chúng tôi. Mai vui dần lên, cười nhiều hơn và học vẫn giỏi như xưa. Cho đến cuối năm học, tôi và Sinh được nêu gương tốt toàn trường. Tất nhiên cả ba đứa đều là học sinh xuất sắc. Vài hôm sau đó, Sinh hớt hải chạy đến nhà Mai, vui mừng giơ tờ giấy vẫy vẫy, hét to: “Có tin mừng, Mai, Lan ơi!”. Tôi giật giấy, đọc lướt nhanh và hét lên: “Mai ơi, Bác sĩ bảo nếu cố gắng luyện tập, tay phải của cậu sẽ cử động được đấy”. Khỏi nói bạn cũng biết sự vui mừng của tôi và Mai, cả Sinh nữa. Tôi cảm ơn Sinh, cảm ơn bác sĩ là ba Sinh. Mai cố bóp tay, động tác đơn giản nhất. Rồi dần dà, Sinh cho Mai tập gập tay, cử động ngón tay và cuối cùng là cầm bút viết. Mai đã thành công.
Qua năm lớp 6, Mai đã hoàn tất bình phục. Bây giờ, tuy không học cùng Mai, Sinh nữa, nhưng tôi sẽ nhớ mãi kỷ niệm đẹp của ba đứa chúng tôi.
Thu Thủy (Tổng hợp)