Giải thích câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” – Văn mẫu hay lớp 7

Giải thích câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm" – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Tiền Giang

Trong cuộc sống, để có thể sống đẹp, sống tốt, sống đúng không phải là điều dễ dàng, nhưng cũng không phải là chuyện không thể. Giữa xã hội có nhiều vết nhơ hay trong một môi trường đầy cám dỗ, để có thể sống không hổ thẹn với lòng mình cần rất nhiều bản lĩnh. Bởi vậy cha ông ta đã có câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” bao gồm hai vế, vừa đối lập vừa bổ sung hỗ trợ cho nhau để hoàn thiện điều khuyên răn mà người xưa muốn nhắn nhủ.

Vế thứ nhất “Đói cho sạch” muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, cơm không có ăn thì cũng phải ăn uống cho sạch sẽ, không ăn uống mất vệ sinh. Như vậy vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tạo thành thói quen về sau. Còn về tầng nghĩa chìm của vế này “đói” chính là chỉ sự nghèo khó, thiếu thốn còn “sạch” ở đây đã có hiện tượng chuyển nghĩa, không phải sạch theo ý nghĩa thông thường nữa. “Sạch” còn mang ý nghĩa chỉ tâm hồn, chỉ tấm lòng, chỉ cách suy nghĩ trong sáng, lành mạnh, không vướng đục.

Dù phải đối mặt với nhiều thiếu thốn, tiền bạc không có nhưng cũng phải giữ được tấm lòng thanh sạch, không làm những điều trái với lương tâm. Như vậy thì cuộc sống dù khó khăn cũng thấy vui vẻ và hạnh phúc. Bản thân sẽ không thấy hổ thẹn, không thấy day dứt. Dù nghèo nhưng cũng không được trộm cắp, dù muốn cũng phải cắn răng chịu đựng. Có rất nhiều người lâm vào hoàn cảnh bế tắc nên đã làm “liều’ đi ăn trộm, đi đánh bài bạc, đi làm những việc xấu xa để mong có tiền tiêu.

Vế thứ hai của câu nói “Rách cho thơm” ý chỉ dù rách nát, quần áo không lành lặn thì cũng không được để bẩn, phải để chúng luôn thơm tho, để người khác nhìn vào không kì thị và không chỉ trọ. Chúng ta vẫn thấy rất nhiều người nghèo đói, quần áo không có mặc nhưng họ vẫn luôn giữ được sự thơm tho, sạch sẽ. Ý thứ hai của từ “thơm” cũng như từ “sạch”. Ý chỉ những điều trong sáng, đúng đắn, luôn giữ đúng đạo nghĩa, không khiến cho tâm hồn phải bận tâm suy nghĩ nhiều.

Em đã từng thấy có hai mẹ con nghèo đến nỗi những bữa cơm cũng thiếu, nhiều khi còn phải nhờ sự giúp đỡ của mọi người nhưng vào căn nhà họ luôn sạch sẽ, tinh tươm. Đứa bé nhiều lúc đói, thấy người khác ăn cũng phát thèm nhưng kiềm chế và nhẫn nhịn chờ mẹ mamg chút gì đó về.

Câu tục ngữ khuyên con người ta dù phải rơi vào thiếu thốn đến cùng cực thì hãy luôn giữ tấm lòng mình được thanh sạch, không bị những thứ xấu dụ dỗ, không bị những điều không nên lôi kéo vào. Bởi rằng nó sẽ tạo thành thói quen, thành một con đường không tốt về sau mà mọi người cứ mặc định bước vào.

Khi chúng ta giữ được sự trong sáng của tâm hồn thì cuộc sống thiếu thốn vật chất nhưng niềm vui và sự thanh thản trong tâm hồn vẫn luôn hiện hiển trong đôi mắt thánh thiện ấy.

Cha ông ta có câu “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” cũng nhằm nhắn nhủ điều này đối với mọi người. Sống đẹp, sống đúng là cách sống mà chúng ta cần vươn tới.

Đối với những người trẻ, đừng để bị cuốn vào vòng quay của xã hội mà đánh mất đi cái tốt đẹp của bản thân mình
Thật vậy, câu tục ngữ đã có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cuộc sống của mỗi người. Giúp chúng ta sống tốt, sống đẹp, sống hạnh phúc hơn, trở thành người có ích cho xã hội.

Ý nghĩa về câu Đói cho sạch, rách cho thơm – Bài làm 2

Câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm, nhân cách & đạo đức muôn đời là thước đó giá trị của mỗi người chúng ta. Trước những khó khắn vất vả nhưng vẫn giữ nguyên phẩm chất đạo đức tốt đẹp.

Chính vì lẽ đó chăng mà từ ngàn đời nay, ông cha ta đã luôn chú trọng việc giáo dục đạo đức cho cháu con mình? Như vậy, việc tu dưỡng đạo đức của bản thân trong đời sống hằng ngàyđã trở thành những bài học quý giá mà chúng ta cần phải thấm nhuần. Và "Đói cho sạch, rách cho thơm" – một câu tục ngữ quen thuộc đã cho chúng ta thấy rằng cuộc sống dù có khó khăn, thiếu thố, khó khăn đến đâu thì chúng ta nhất thiết luôn phải sống sao cho trong sạch, sao cho giữ gìn được nhân cách và phẩm chất của chính bản thân mình. Vậy nhân cách là gì? Tại sao chúng ta phải gìn giữ nhân cách bản thân? Là những điều ta cần tìm hiểu trong câu tục ngữ này.

Trước hết, ta có thể hiểu câu tục ngữ là một lời khuyên về việc ăn, cách mặc của con người. Đó là dù bản thân có đói đến đâu chăng nữa thì ta cũng phải biết ăn uống cho hợp vệ sinh – "đói cho sạch"; quần áo tuy có cũ nhường nào nhưng vẫn còn sử dụng được thì ta phải chú ý ăn mặc sao cho sạch sẽ, tinh tươm – "rách cho thơm". Nhưng sâu xa trong câu tục ngữ này, ngoài việc nhắc nhở cháu con trong cách ăn, mặc, cha ông ta còn nhắn nhủ một lời khuyên quý báu về lối sống, về cách gìn giữ đạo đức, nhân cách của bản thân con người thông qua lối nói ẩn dụ. Cặp hình ảnh " đói – rách" là nói về hoàn cảnh sinh sống của con người còn rất khó khăn, thiếu thốn nhiều về mặt vật chất.; còn "sạch – thơm" là cặp hình ảnh nói về nhân cách, đạo đức và phẩm chất của con người. Như vậy, ta có thể khẳng định được rằng, nguyên cả câu tục ngữ là một lời khuyên cho mọi người về việc gìn giữ nhân phẩm bản thân trong bất kì hoàn cảnh nào của cuộc sống.

Vậy thế nào là nhân cách? Nói chung, nhân cách là những đức tính tốt đẹp của con người và phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức mà xã hội quy định như lòng biết ơn, sự hiếu thảo, lòng dũng cảm, tính kiên trì, tinh thần yêu nước…

Thế tại sao còn người phải giữ gìn nhân cách cua mình? Đầu tiên, đó là bởi, chính nhân cách là thước đó giá trị của mỗi con người, khẳng định vị trí của người đó trong cộng đồng xã hội. Chẳng phải vậy sao mà xã hội luôn trân trọng, yêu quý & tôn vinh những người có nhân cách, có đạo đức tốt đẹp. Từ đó mà luôn lấy họ làm tấm gương sách để răn dạy cháu con mình noi theo. Thật vậy, lịch sử chẳng bao giờ quên tôn vinh những tấm gươg con người có nhân cách, đạo đức đáng khâm phục, và tiêu biểu chính là người thầy đạo cao, đức trọng Chu Văn An.  Thầy đã đem nhân học suốt cuộc đời mình để truyền dạy cho tất cả học trò để rồi cho đến cả một con vật, do quá kính trọng thầy nên đã hóa thành người mà đến theo học lớp thầy dạy. Năm tháng trôi qua, nghe thầy giảng đạo lí, nó đã được thầy cảm hóa. Tôn kính thầy, nghe lời răn dạy của thầy mà thấm nhuần trong tim, nó đã phá luật trời, cho mưa xuống vùng nhiều năm hạn hán để người dân đỡ khổ, đỡ cực. Ngoài ra, thầy thuốc – vị danh y Lê Hữu Trác cũng là một người như thế. Và tấm gương đạo đức ngời sáng về lòng kiên trì vượt mọi trở ngại, khó khăn của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu cũng cần chúng ta phải nhắc đến. Bên cạnh đó, trong tài cầm quân đánh giặc, thao lược trong chiến trận, Trần Hưng Đạo quả thực là một đại tướng tài giỏi. Và còn rất nhiều tấm gương ngời sáng khác trong thực tế cuộc sống của chúng ta hiện tại… Tuy nhiên, bên việc tôn vinh những con người như vậy, xã hội ta cũng luôn lên án những kẻ thiếu đạo đức, coi nhân phẩm của mình nhẹ hơn tiền tài, vật chất… Nhìn lại lịch sử, trong thời đại phong kiền nước nhà,  thường có những kẻ phản dân hại nước như Nguyễn Ánh, như Lê Chiêu Thống hay ngay cả vua Khải Định… và còn nhiều kẻ khác nữa. Đặc biệt trong thời đại ngày nay cũng có không ít kẻ hám tiền, tham quyền rồi làm nhũng nhiễu nhân dân bằng cách tham nhũng, nhận hối lộ … khiến cho đất nước ngày một thêm nghèo.

Mặt khác, nhân cách trong bản thân mỗi người thường đuọc biểu hiện qua hảnh động & việc làm của họ. Chính vì thế mà người ta có thể dùng hành động để làm ra tiền bạc nhưng chắc chắn ko thể dùng tiền bạc mua nhân cách bản thân mình. Cụ thể, với một kẻ đã vào tù vì những hành động phi pháp của anh ta thì tất nhiên, anh ta chẳng thể dùng tiền đễ mua chuộc mọi người xóa mờ đi quá khứ lỗi lầm ấy được… Mà anh ta chỉ có thể làm lại chính mình bằng những việc làm tốt đẹp, bằng những cố gắng thay đổi bản thân của chính con người anh thôi. Hơn nữa, trong thực tế, con người chúng ta thường có một thói quen xấu khá phổ biến là "Đói ăn vụng, túng làm liều". Nghĩa là, khi ở trong hoàn cảnh quá khó khăn, đói khổ mà ko tìm ra giải pháp và lối thoát cho mình, con người thường ko còn tỉnh táo để suy sét về hành động của bản thân mà lại sinh ra thói trộm cắp nhằm giải quyết cái đói, cái khát trước mắt nên vì thế mà đánh mất nhân cách của bản thân. Ngoài ra, trong xã hội hiện tại còn có một số cá nhân thích đua đòi theo bè bạn để đúng với thời thượng, đẳng cấp. Họ ăn chơi xa hoa, coi trọng vật chất, tiền tài, danh vọng hơn cả phẩm giá của bản thân mình, chính thế mà những người này sẵn sáng bán rẻ nhân nhân phẩm vì những mục đích xa xỉ. Vậy ra những việc làm tai hại như thế đâu chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới họ – bản thân những người gây ra như bị bè bạn khinh rẻ, bị mọi người lánh xa, bị luật pháp trừng trị nghiêm khắc mà còn ảnh hưởng rất xấu tới xã hội, tới cộng đồng khi gây mất trật tự, an ninh và cũng còn muôn vàn tệ nạn xã hội khác nữa…

Loading...

Và chúng ta cũng biết rằng, từ xưa đến nay, việc giữ gìn nhân cách, phẩm chất đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, dân tộc Việt Nam anh hùng. Chính thế mà chúng ta luôn phải tiếp thu, biết kế thừa và phát huy để mãi mãi gìn giữ vẻ đẹp này của dân tộc. Như vậy, để lời khuyên về nhân cách luôn được truyền lưu cho các thế hệ mai sau, các thể loại văn học dân gian đã đúc kết đưa ra những bài ca dao, các câu tục ngữ thực sự ý nghĩa như bài ca dao "Con cò mà đi ăn đêm" hay "Giấy rách phải giữ lấy lề", "Chết vinh hơn sống nhục", "Chết đứng hơn sống quỳ"… cũng là những câu tục ngữ thực sự thâm thúy. Và đặc biệt nhất có lẽ là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta, người đã bảo: "Có đức mà không có tài thì làm  việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức thì là người vô dụng.". 

Tóm lại, câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm" mãi mãi là một lời khuyên đúng đối với tất cả mọi người trong mọi thời đại. Vì một lẽ rằng: nhân cách chính là tài sản vô giá mà chúng ta cần phải biết coi trọng và giữ gìn nhưng cũng đừng quên thường xuyên rèn giũa. Chúng ta cần sống một cách chân hật với mình, với mọi người, sống trong sạch, lương thiện để bản thân ta là một người tốt. Điều đó không chỉ đem lại lợi ích cho chính bản thân ta mà còn góp phần đảm bảo cuộc sống tốt đẹp chung cho tất cả mọi người. Để gìn giữ nhân cách cho bản thân, thực sự có rất nhiều cách nhưng có lẽ phổ biến nhất là việc siêng năng , cần cù, & chăm chỉ học tập là những đức tính mà trược tiên ta phải chú ý đến.

Tục ngữ có câu: ''đói cho sạch, rách cho thơm''.Em hãy giải thích câu tục ngữ đó và rút ra bài học – Bài làm 3

Đạo lí làm người của dân tộc ta được thể hiện khá rõ trong kho tàng ca dao, tục ngữ. Nói về lối sống thanh cao, trong sạch, giữ gìn phẩm giá trong hoàn cảnh khó khăn, tục ngữ có câu :''đói cho sạch ,rách cho thơm''.

Người xưa mượn hai yếu tố thiết thực nhất trong cuộc sống con người là ăn và mặc để thông qua đó phản ánh quan niệm sống của mình. Trong xã hội phong kiến trước đây, người lao động chân lấm tay bùn thường bị xã hội, bị giai cấp bóc lột khinh thường rẻ rúng. Bọn chúng cho rằng mọi chuyện xấu xa trên đời đều bắt đầu bằng sự khốn cùng này : Bần cùng sinh đạo tặc hay đói ăn vụng ,túng làm càn. Thực tế cũng có một số người bị tha hóa trước hoàn cảnh. Nhưng đó chỉ là số rất ít, còn phần lớn người lao động chân chính vẫn giữ vững nếp sống lành mạnh, trong sạch, truyền thống của ông cha.

Lúc đói ,bản năng tự nhiên của con người trỗi dậy rất mạnh để bảo tồn sự sống. Liệu có còn đủ lí trí để giữ cho sạch sẽ? Khi nghèo nàn, rách rưới, mấy người còn nghĩ tới thơm tho? Không! Câu tục ngữ này không định đề cập đến nghĩa đen mà là một triết lí sống, một quan niệm sống ,một nền tảng đạo đức của nhân dân ta.

Lấy đói và rách là hai biểu hiện cụ thể của hoàn cảnh khó khăn trong đời sống vật chất của con người để tượng trưng cho cuộc sống gian truân, vất vả. Nước ta là một nước nông nghiệp,trước đây hơn 90% dân số sống bằng nghề làm ruộng .Quanh năm họ dầu dãi nắng sương, đổ mồ hôi nước mắt trên đồng ruộng để làm ra củ khoai, hạt lúa. Cực nhọc trăm bề nhưng nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói bởi sưu cao,thuế nặng, bởi chính sách áp bức bóc lột tàn khốc của giai cấp thống trị. Đời người nông dân nghèo, hỏi có mấy khi được ấm no, vui vẻ?

Sống trong đói rách kéo dài triền miên như vậy, nếu không giữ gìn phẩm cách ,con người ta sẽ rất dễ bị tha hóa về đạo đức
Trong hoàn cảnh ấy, những lời khuyên nhủ, những bài học nhân sinh là hết sức cần thiết. Người lao động khuyên nhau, nhắc nhở nhau hãy sống cho trong sạch ,sao cho đúng với bản chất thiên lương ,sao cho khỏi cúi xuống thẹn đất, ngẩng lên thẹn trời và trước hết là để cho lương tâm mình không bị cắn rứt bởi tội lỗi xấu xa.

Quan điểm này là sự đối nghịch với quan điểm sống tiêu cực với giai cấp bóc lột; là sự tự khẳng định và đề cao quan điểm sống thanh cao của người lao động. Không một uy lực nào, một cám dỗ nào có thể làm cho những con người chân chính khuất phục
Trong sạch trong lối sống, trong nếp nghĩ. Thơm tho trên phương diện danh dự ,đạo lí làm người. Điều đó đã kết tụ trong cách sống cao thượng của những bậc chính nhân như Nguyễn Trãi, Cao Ba quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến,…Quan niệm sống ấy là quan niệm sống cao đẹp của nhân dân ta từ ngày xưa truyền lại. Nó giống như những bông hoa sen vươn lên trên đầm lầy với vẻ đẹp thanh cao và làn hương thơm ngát.

Giải thích và bình luận câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm” – Bài làm 4

Tục ngữ chứa đựng biết bao kinh nghiệm về ứng xử, về đạo lí làm người. Có nhiều câu tục ngữ trờ thành phương châm sống, giáo dục nhân cách cho chúng ta. Câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm” trở thành bài học luân lí, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Câu tục ngữ có hai vế đối xứng, đồng nhất về nội dung, cùng bổ sung ý nghĩa cho nhau. Đối nghĩa là nghèo đói, thiếu thốn vẻ mặt vật chất, cơm áo bạc tiền. Cho nghĩa là vẫn phải giữ cho được. Sạch nghĩa là trong sạch, không lèm nhèm, tắt mắt, tham lam. Vế thứ nhất: “Đói cho sạch” nêu lên bài học đạo đức: sống trong sạch trong cảnh nghèo đói. Vế thứ hai: “Rách cho thơm”. Rách cũng có nghĩa tương tự như đói: thiếu thốn, nghèo khổ, thiếu ăn thiếu mặc. Cho thơm,cho trong sáng tâm hồn, cho tốt đẹp về lương tâm danh dự, được mọi người nể trọng.

Tóm lại, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” nêu lên bài học luân lí: đừng vì nghèo đói, thiếu thốn mà làm điều xấu, mắc vào tội lỗi; trong bất cứ hoàn cảnh thiếu thốn nào cũng phải biết sống trong sạch, giữ trọn phẩm cách và danh dự tốt đẹp của mình.

Trong đời, ai mà chả thích giàu sang, phú quý? Địa vị cao sang, tiền bạc nhiều… ai mà chả ham muốn? Nhưng cố nhân có nhắc: “Phú quý bất năng dám, bần tiện bất năng di, uy vũ bất lăng khuất”, nghĩa là giàu sang không mua chuộc được, nghèo khổ không đổi đời, vũ lực không thể khuất phục. Đó là nhân cách vĩ đại của kẻ sĩ chân chính.

Trên đường đời, ai mà chẳng có lúc gặp hoạn nạn khó khãn, thất cơ lỡ vận. Mất mùa, ốm đau, tai họa… là những thử thách khó lường. Khi đứng trước những gấp khúc cuộc đời, dân gian có lời khuyên chí lí: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Nghèo đói mà sống trong sạch, khó khăn thiếu thốn mà giữ được phẩm cách, danh dự đó là điều không đơn giản, không phải ai cũng làm được. Qua câu tục ngữ này nhân dân ta nhắc nhở mọi người hãy ra sức tu dưỡng đạo đức, giữ vững phẩm cách trong sạch, dũng cảm vượt qua mọi cám dỗ vật chất để giữ vững danh dự và lương tâm.

Các tệ nạn xã hội như ăn cắp, ăn trộm, lừa đảo, giết người cướp của đều do lòng tham vô độ mà ra. Thậm chí các tệ nạn tham nhũng của những quan chức biến chất đều do lòng tham, thích sống xa hoa hưởng lạc mà trở thành quốc nạn.

Thói thường, nói dễ làm khó. Biết tu dưỡng đạo đức, giữ cho tâm hồn trong sáng, lương tâm trong sạch, danh dự trọn vẹn… là việc phải phấn đấu suốt đời. Có biết lao động cần cù, sống giản dị, tiết kiệm thì mới có thể biến câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” thành hiện thực.

Diệt lòng tham, sống trong sạch là điều mà tổ tiên ông cha vẫn nhắc nhở con cháu:

“Của phi nghĩa có giàu đâu,

Ở cho ngay thật, giàu sau mới bền”

Hiện tượng quay cóp, gian lận trong học hành thi cử, phải chăng cũng vì những ai đó chưa hiểu hết ý nghĩa câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Câu tục ngữ này đã trở thành bài học luân lí, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thu Thủy (Tổng hợp)

Đánh giá bài viết
LIKE ỦNG HỘ TÁC GIẢ