Kể lại một câu chuyện đáng nhớ của bản thân – Văn mẫu hay lớp 9

Kể lại một câu chuyện đáng nhớ của bản thân – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Thái Bình

Đêm đó, nằm ngủ trên giường bà, tôi thao thức mãi. Tám, chín năm về trước, bà vẫn ôm ấp và ru tôi ngủ trên chiếc giường này…

Loading...

Đã lâu tôi chưa được về thăm quê. Bố đi công tác ở đảo xa. Ông bà nội đã mất.

Gần Tết mà bố tôi vẫn chưa về. Sáng 27 tháng Chạp, mẹ tôi nói với hai con: “Chiều nay ba mẹ con về quê, đi thăm mộ ông bà…". Bé Lan reo lên, còn tôi thì nao nao, buồn vui khôn tả xiết. Tôi nhẩm tính: “Ông mất đã hơn tám năm, bà đã đi xa gần 6 năm…". Hình ảnh ông nội mái tóc bạc phơ, chòm râu dài, gương mặt hồng hào phúc hậu ngồi uống trà với khách; hình ảnh bà nội ôm hai cháu vào lòng, kể cho các cháu nghe bao chuyện cổ tích,… tôi như thấy hiển hiện trước mắt mình. Tôi ứa nước mắt ra.

Đoạn đường dài hơn 30 cây số, xe máy mẹ đi chỉ hơn một tiếng đồng hồ là về quê. Làng Văn Xá quê nội trải rộng một màu xanh lúa chiêm xuân. Cò trắng ở đâu mà về sao nhiều thế? Cây đa cổ thụ xanh um, ngôi đình cổ mái ngói rêu phong, dòng

Sông Tam Thế lặng lờ trôi, trâu bò hiền lành gặm cỏ trên đê… Cảnh vật thân quen, đáng yêu lạ. Tôi càng ngắm nhìn càng bâng khuâng.

Ngôi nhà ngói năm gian của ông bà nội thương yêu vẫn còn đó. Tôi cảm thấy vắng vẻ. Chú, thím Lợi và ba em Nhân, Hoà, Thái vui vẻ, tíu tít đón ba mẹ con tôi. Nhân đã học lớp bốn. Hoà đã học lớp ba. Thái học lớp một. Cả ba đều học giỏi, rất vui mừng khi nhận quà và tiền mừng tuổi của bác Nga. Chỉ có một cái cặp sách, hai em liền nhường lại cho Nhân. Nghe bác nói: "Bác sẽ gửi túi sách về cho hai cháu để đi học…", hai em Hoà và Thái reo lên !

Sau bữa cơm tối ở nhà chú thím, ba em nhỏ đưa hai chị ra thăm vườn. Qua cây cau, cây cam, cây bưởi, tôi đứng lặng. Qua bờ ao, luống rau, tôi đi chậm lại. Tôi tưởng nhớ ông bà đang nói khi nghe gió lao xao, thì thầm:. “Cây cỏ cũng có tình, có nghĩa đấy cháu ạ.”

Đêm đó, nằm ngủ trên giường bà, tôi thao thức mãi. Tám, chín năm về trước, bà vẫn ôm ấp và ru tôi ngủ trên chiếc giường này…

Sáng hôm sau, ba mẹ con tôi theo chú thím Lợi và ba em đi ra nghĩa trang thăm mộ ông bà. Mộ ông bà đã được xây vuông vắn, nhưng trên đỉnh mộ vẫn mọc nhiều cỏ xanh. Bố mẹ tôi và chú thím Lợi đã làm đúng lời căn dặn của ông bà trước lúc ông bà về lão: " Xây đắp mộ ông bà cần giản dị, đừng có phô trương. Phải lo cho các cháu học giỏi và hiểu thảo. Được như vậy là ông bà ở thế giới bên kia sung sướng lắm rồi.”

Khiêm tốn, giản dị, chất phác là nếp sống của ông bà nội. Cha mẹ tôi vẫn nhắc nhở chị em tôi thế.

Mẹ và chu thím Lợi bày hương hoa lên mộ ông bà, thắp hương và khấn vái. Mẹ khóc và chị em tôi cũng khóc. Cả ba đứa em cũng khóc theo.

Nắng lên. Cảnh nghĩa trang trong làn khói hương u huyền càng trở nên vắng lặng. Tôi man mác buồn khi cắm nén hương lên mộ ông bà. “Bà ơi, ông ơi! Bố cháu đi công tác xa chưa về kịp. Ba mẹ con cháu về thăm ông bà, cháu chỉ mong ông bà vui…"- Tôi thầm khấn. Nước mắt cứ chảy dài trên má….

Tết năm nay sắp đến. Bóng chiều xuống trầm trầm. Nhìn bàn thờ ông bà, tôi lại nhớ lần về thăm quê thời còn học lớp Bảy.

Kể lại một câu chuyện của bản thân mà em luôn ghi nhớ – Bài làm 2

Trong tuổi thơ của mỗi người, ai cũng có những kỉ niệm đáng nhớ về thầy, cô giáo cũ của mình, những kĩ niệm đẹp xen lẫn nỗi buồn đều được khắc sâu trong trí nhớ của chúng ta. Riêng tôi có một kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên, kỉ niệm sâu sắc về một người thầy đáng kính của tôi.
Năm ấy, khi tôi còn học lớp một, tôi có những kỉ niệm đẹp về thầy giáo chủ nghiệm của mình. Tôi đã bước sang lớp một, ngưỡng cữa của bậc tiểu học, có nhiều bạn mới, thầy cô mới. 
Trong lòng tôi hết sức bồi hồi, lúc thì vui vui, lúc lại hơi buồn khi không có bố mẹ ở bên. Tới lúc vào lớp, khi thầy bước vào, dáng người thầy thật nhanh nhẹn và thầy chào chúng tôi. Tôi trông thầy cũng đã đứng tuổi, tóc thầy cũng đã điểm bạc, khuôn mặt thầy gầy, bàn tay thầy có nhiều vết nhăn, chắc thầy đã có mấy chục năm ''lận đận'' với học sinh. Thầy bước lên bục giảng, thầy ra hiệu cho chúng tôi im lặng và thầy nói:''chào các con, thầy tên là Hồ Viết Cảnh, thầy sẽ chủ nhiệm lớp các con trong suốt bậc tiểu học''. Giọng thầy thật ấm áp, nhẹ nhàng, làm cho những suy nghĩ trong đầu tôi về một người thầy giáo chủ nhiệm thật dữ dằn và nghiêm khắc đều tan biến, nỗi sợ hãi trong lòng không còn nữa, tôi an tâm phần nào.
Sau khi ra mắt chúng tôi, thầy bắt đầu dạy cho chúng tôi những bài học đầu tiên mà cũng là những bài học đầu đời dạy tôi nên người. Thầy viết lên bảng những dòng chữ đầu tiên, tôi trông thấy bàn tay thầy run run khi viết, sau này tôi mới biết, thầy phải chịu đựng những cơn đau do tham gia cuộc chiến tranh kháng chiến chống mĩ để viết nên dòng chữ đẹp đó. Sau khi viết xong đề bài, thầy hỏi chúng tôi có thấy rõ không, một và bạn ngồi phía dưới do mắt kém nên không thấy liền được thầy chỗ khác cho phù hợp. Trong buổi học thầy đến tận chỗ của từng người để chỉ cho chúng tôi những chỗ không hiểu. Cuối giờ, thầy cho chúng tôi xếp hàng ra về, mọi người đi về rất thẳng hàng, mọi người vui như đi hội, tiếng cười đùa của một vài bạn đã làm xôn ao khắp sân trường. Buổi học đầu tiên đã kết thúc như vậy đó, thầy đã để lại cho tôi những suy nghĩ về một người thầy mẫu mực.
Những buổi học sau, thầy nghiêm khắc với những bạn lười học, khen thưởng những bạn ngoan. Giờ ra chơi, thầy đều ra chơi cùng chúng tôi, thầy chơi những rò chơi dân gian cùng với chúng tôi, nhìn khuôn mặt thầy lúc đấy thật đáng yêu, nhìn kĩ thầy, tôi có cảm giác khuôn mặt thầy rất giống khuôn mặt ông nội tôi. Ông tôi đã mất từ khi tôi còn nhỏ, những kỉ niệm đẹp của ôg và tôi đều được tôi khắc ghi. Nhìn thầy, tôi cảm thấy nhớ đến ông, nhớ đến cảnh chơi đùa của hai ông cháu, tôi liền chạy vào phòng học, ngồi trong góc khóc. Lúc đó có một bàn tay đặt lên vai tôi khẽ vỗ về, hình ảnh ông nội vỗ về tôi mỗi khi buồn hiện về, tôi bỗng khóc to lên, không sao có thể kiềm chế được. Thì ra đó chính là thầy, thầy khẽ nói với tôi:" Thành, sao con khóc, nói ra để thầy chia sẽ với con". Rồi thầy ôm tôi vào lòng, nhận được sự an ủi của thầy, tôi càng khóc to hơn. Sau hôm đó tôi cảm thấy được thầy quan tâm nhiều hơn.
Vào một hôm, do tôi không học bài nên bị điễm kém, thầy liền mắng tôi, tôi liền chạy về chỗ ngồi, trong lòng tôi cảm thấy rất tức thầy. Vào giờ ra chơi thầy không ra chơi với các bạn như mọi khi, thầy xuống chỗ tôi. Thầy nói:"thầy xin lỗi em vì đã quá nặng lời, nhưng em là lớp trưởng nên phải gương mẩu cho các bạn noi theo….'' thầy giảng lại cho tôi bài tôi chưa hiểu. Tôi nhìn thầy lúc đó mà trong lòng cảm thấy hối hận vô cùng, ân hận vì đã làm thầy buồn. tôi tự hứa sẽ cố gắng phấn đấu tốt hơn.
Vậy đấy, thầy đã để lại cho tôi những kỉ niệm không bao giờ phai mờ về một người thầy giản dị mà thân thương. Tôi hứa sẽ cố gắng học tập để trở thành công dân tốt, có ích cho đất nước và xã hội. Công ơn thầy sẽ mãi được khắc ghi như câu danh ngôn:

"Ngọc không mài không sáng, người không học không tài."

Kể lại một câu chuyện đáng nhớ của bản thân – Bài làm 3 

Có lẽ trong cuộc đời mỗi con người ai cũng từng nhớ những buổi sáng bị mẹ nhéo tai gọi dậy rồi làu bàu giục khẩn trương thay quần áo để kịp tới trường, nhưng ta lại quên mắt ánh mắt tràn đầy yêu thương của mẹ. Dường như ta chưa thể quên cái cảm giác đau đớn trong những trận đòn của cha mỗi khi phạm lỗi, nhưng ta lại không biết trái tim người khi ấy như cũng đang rớm máu… Có lẽ vì cuộc sống bận rộn, hay vì nhiều lý do khác mà những tình cảm yêu thương trong suốt quá trình trưởng thành ấy đã bị lãng quên, mãi cho đến một ngày tình cờ đọc được một bài văn của ai đó, chúng ta mới bắt chợt nhớ tới cha mẹ mình… 

“Đường kim từ tay mẹ, thành áo trên người con”. Tình yêu của cha mẹ dường như đều xuất phát từ những việc nhỏ nhặt như đường kim mũi chỉ ấy. Bất kể chúng ta đang ở nơi nào, núi cao hay vực thẳm, chân trời góc bể nào, thì tình yêu ấy vẫn luôn chấp cánh cho những uơc mơ của chúng ta. 

Quá trình trưởng thành của mỗi người không giống nhau, nhưng tình yêu của cha mẹ đều như nhau. Trong những câu chuyện đời thường ấy, tình yêu của cha mẹ đều lớn lao như biển cả. Trong cuốn sách này, những câu chuyện từ trong hồi ức về tình yêu ấm áp của cha mẹ, đó có thể là những lời cảm ơn dành cho họ, cũng có thể là sự tiếc nuối và cả những lời chưa kịp nói… Cái giá cho sự trưởng thành của chúng ta chính là mái tóc mỗi ngày một bạc của cha và nếp nhăn xuất hiện nhiều hơn trên da mặt mẹ. Không phải ai cũng may mắn được nghe những lời an ủi động viên của cha mẹ, hay có cha mẹ ở ngay bên mình. Đừng để sự đền đáp chưa thực hiện được trở thành sự tiếc nuối. 

Có rất nhiều thứ sẽ bị nhạt màu theo năm tháng, nhưng tình yêu của cha mẹ lại luôn ấm áp và nồng thắm. Thế nhưng, do bận rộn vì kế sinh nhai, những người làm con có lẽ đã quên mất ánh mắt yêu thương của cha mẹ mình. Xin hãy nhớ rằng, cha mẹ luôn mong mỏi chúng ta trở về bên họ. Hãy bớt chút thời gian để dành cho cha mẹ những lời thăm hỏi, một cái ôm ấm áp hay một món quà nhỏ… Đọc những câu chuyện này, chúng ta như cảm thấy tình yêu của cha mẹ hiện hữu ở khắp nơi, khiến chúng ta luôn ấm lòng. “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Với bổn phận làm con, chúng ta hãy trân trọng và yêu quí những lúc được ở bên cha mẹ và hãy tận dụng cơ hội đó dành cho cha mẹ một sự báo đáp về công ơn và tình yêu của họ. 

Cầu chúc cho nhận loại luôn nhận thấy rằng tình yêu của cha mẹ là tài sản vô giá nhất. Hãy vui sướng khi còn có cha mẹ trên đời, hãy nói với cha mẹ một lời chân thành: Con yêu người. 
Hãy trân trọng những gì bạn có , đừng để khi mất mới hiểu rằng nó đáng quý.

Kể lại một câu chuyện đáng nhớ của bản thân – Bài làm 4

Bing bong, tiếng chuông tại giáo xứ Đa Minh ngân vang quyện với hơi lạnh và không khí náo nức của ngày Noel tại Sài Gòn nhưng lòng tôi bỗng có cảm giác lành lạnh khó tả. Về nhà sau khi cầu nguyện nơi giáo đường với tâm trạng nôn nao khó tả, một cảm giác bất an. Sáng hôm sau, tôi nhận được tin báo ở Thụy Sĩ, mẹ tôi qua đời. Mọi ký ức của thuở ấu thơ cực khổ xen lẫn cảm giác hối hận của một thằng con trai mới lớn.

Ba mẹ ly dị, mẹ sinh tôi ra khi cùng cậu trên đường đến trạm xá mà không kịp. Tuổi thơ của tôi gắn với hình ảnh của bữa cơm với mắm kho quẹt chan nước mắt của mẹ. Cậu mỗi lần say xỉn, đốt đuốc đuổi ba mẹ con tôi đi. Mẹ ngậm ngùi trong đắng cay nuôi chúng tôi khôn lớn với đồng lương của một nhân viên văn phòng tại một công ty ở Vĩnh Long. 

Công ty phá sản, mẹ rời quê hương dắt chúng tôi lên Sài Gòn sinh sống. Một mình mẹ nơi đất khách kiếm tiền bằng những đồng lương buôn gánh bán bưng, với những thúng bánh bèo, bánh bột báng, bánh chuối hấp nước dừa, mẹ nuôi chúng tôi khôn lớn. Không nhà không cửa, mẹ gửi tôi cho các sơ chăm sóc.

Mẹ tái giá với người khác, tôi có một đứa em gái cùng mẹ khác cha, những tưởng sẽ có một gia đình êm ấm. Nào ngờ, dượng lại là một người vũ phu, ông đánh đập mẹ tôi, đánh đập cả chúng tôi mặc cho mẹ khóc lóc van xin. Cuộc hôn nhân thứ hai đổ vỡ nhưng vẫn không đánh đổ được mẹ. Tôi vẫn nhớ như in cái cảnh mẹ gánh hai thúng bánh đi bán từ sáng sớm, cực khổ đến mấy vẫn không lấy đi chút nào tình yêu của mẹ dành cho chúng tôi.

Cái gì đến sẽ đến, sự nỗ lực luôn có giá trị của nó khi mà mẹ kiếm được một công việc ổn định tại Gival và nhiều mối đặt bánh của các công ty, trường học. Cuộc sống, công việc, gia đình, hàng trăm mối lo toan đè nặng lên vai mẹ khi gặp những mâu thuẫn trong công việc. Mẹ nghỉ làm, tôi còn quá nhỏ khi hỏi mẹ: Mẹ ơi, con thấy công việc ở Gival rất tốt mà, sao mẹ lại nghỉ?

Mẹ cười không giải thích mà nói “Con ơi, mẹ đi bằng hai bàn chân chứ không đi bằng đầu gối”. Thoáng hiểu những câu nói của mẹ, nhưng tôi không hề lưu giữ điều đó. Rồi tiếp tục hàng loạt những khó khăn khi mất dần các mối đặt bánh vì bà ngoại với những thói quen của người dân quê đã không đảm bảo được uy tín cho khách hàng. Mẹ và ngoại xích mích từ đó, ngoại bỏ về quê và giận mẹ.

Mẹ nuôi ba anh em chúng tôi không thiếu thốn thứ gì, nếu không muốn nói cái thời cấp ba tôi như một thằng công tử bột, không biết làm gì ngoài ăn và chơi. Mẹ lo cặm cụi với công việc nhưng vẫn lo đến từng bữa sáng và ly cà phê pha với sữa tươi ngon tuyệt. Tôi vẫn nhớ cái mùi vị nước mắm mẹ pha ăn với bánh bèo mà cho đến bây giờ tôi chưa ăn ở đâu ngon được như vậy.

Khi tôi học lớp 11, mẹ cùng một vài người bạn dự tính kế hoạch đi Thụy Sĩ, mẹ muốn dẫn tôi theo. Tôi còn ham chơi, còn lêu lổng chưa nghĩ đến điều gì hết, tôi không muốn đi. Cho đến ngày mẹ ra sân bay tôi còn đang đi chơi với bạn bè mà không tiễn mẹ. Mẹ ở bên đó, kiếm tiền gửi về lo cho anh em chúng tôi, lo cho gia đình.

Tiền bạc mẹ đều gửi về cho ngoại, mẹ nhờ ngoại chăm sóc cho chúng tôi. Tiền ngoại lo cho chúng tôi thì ít mà gửi cho các cậu thì nhiều. Khi tôi thi đại học, chỉ thi khối A, cái ngày khối B, C, D thi thì tôi ở nhà. Ngoại nói với mẹ rằng tôi không lo học hành, bỏ thi và bồ bịch với gái bán cà phê. Mẹ gọi về mằng chửi tôi, đòi từ tôi, mặc cho tôi nói gì. Tôi tự ái, bỏ nhà đi, học hành lúc có lúc không.

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa đủ sức để lo cho bản thân và học hành. Một ngày, khi trong túi chỉ còn hơn năm mươi ngàn đồng, đủ tiền đi xe ôm về nhà xin tiền ngoại đóng học, ngoại không cho còn mắng chửi tôi. Tôi lại bỏ đi, lang thang ngoài đường, bỏ học đi kiếm việc làm thêm ở một quán cà phê.

Mẹ gọi về, tôi đã giải thích, đã nói để mẹ hiểu rằng tôi sống như thế nào, nói để mẹ tin tôi. Mẹ khóc và nói: “Mẹ ở bên này đi làm cực khổ chỉ mong có cuộc sống đầy đủ cho các con”. Nghỉ học bên Kỹ thuật công nghệ, tôi chuyển sang học bên ĐH FPT. Tôi không phụ lòng mẹ khi học kỳ đầu tiên có học bổng, mẹ đã rất vui. 

Cuộc sống những tưởng đã có thể bình thường, chỉ chờ đến cái ngày tôi học hành thành đạt để lo được cho mẹ. Thế rồi cái tin mẹ mất như phá vỡ hết mọi thứ, tôi bơ vơ không biết nương tựa nơi đâu. Ngoại bán nhà, đem tiền cho cậu. Tôi ở nhờ nhà một ông cậu chỉ biết rượu chè, bồ bịch, bao nhiêu tiền mẹ gửi về, tiền bán nhà ngoại đem cho, nhưng mà chỉ biết cờ bạc phá hết. 

Học phí quá cao, tôi không thể tiếp tục đi học. Chán nản, tôi lang thang không nơi nương tựa, nghĩ lại câu mẹ nói với ba trước khi đi Thụy Sỹ: “Cả nhà chỉ có thằng Minh là sống biết suy nghĩ nhất, nếu tôi có gì ông nhớ lo cho nó”. Đến Bình Dương tìm ba, trời tối tôi không muốn vào nhà đành ngủ ngoài đường và ngày hôm sau tôi về Vĩnh Long. 

Trời tối, tôi bị tai nạn, bất tỉnh giữa đường, khi tỉnh dậy thấy mình nằm ở bệnh viện. Gọi điện thoại về cho ngoại, ngoại lên mắng vào mặt tôi rằng: “Mẹ tụi bay chết rồi, bây giờ không có ai lo cho tụi bay đâu”. Tôi không hiểu được, cả cuộc đời mẹ là con gái duy nhất trong gia đình mà phải lo toan hết mọi thứ, bây giờ mẹ mất đi mọi người lại đối xử với mẹ như vậy. Những người xung quanh thấy vậy gom góp tiền giúp tôi bó bột chân.

Sau khi ra viện, tôi thuê phòng của một người hàng xóm trước đây của mẹ. Học hành dở dang, không công ăn việc làm, rồi những buổi chiều lang thang không định hướng, không tương lai, tôi rơi vào trạng thái cô đơn suy sụp tột cùng. Anh tôi thì chơi bời lêu lổng với đám bạn không có ngày mai, em gái thì bỏ học về quê. 

Tôi đã nghĩ đến cái chết và uống thuốc ngủ. Tỉnh lại nơi bệnh viện, nhận được những câu mắng của đám bạn bè và nghĩ tới mẹ, tôi ân hận vô cùng. Mẹ đã làm việc vất vả nơi xứ người để lo cho chúng tôi. Nhìn lại những tấm hình trước khi mẹ mất, một người phụ nữ cả đời không nhìn thấy trên gương mặt một nụ cười, cả cuộc đời là những chuỗi ngày vất vả không chút nghỉ ngơi, chỉ mong cho anh em chúng tôi nên người và có cuộc sống đầy đủ. 

Một người mẹ sống vì con cái, làm việc không kể ngày đêm đến nỗi phải đột quỵ, gục ngã ngay khi đang làm việc. Thế mà bây giờ tôi lại phụ niềm tin mà mẹ dành cho tôi, tôi từ bỏ cuộc đời mà mẹ ban cho tôi. Tìm đến những quyển sách của First News và tôi bất chợt thay đổi bởi những câu nói “Không có một quyền lực nào có thể ngăn cản được một người có thái độ, tinh thần đúng đắn đạt được mục tiêu của mình. Và không gì trên đời có thể giúp một người có thái độ, tinh thần không đúng đạt được thành công”. 

Cả cái miền quê và họ hàng nơi ấy, cho dù họ có khinh miệt và coi thường tôi nhưng cuộc sống của tôi do chính tôi quyết định. Tôi căm ghét những người được gọi là người thân nhưng họ sống dựa vào sức lao động của mẹ, tôi không xu nịnh, không dựa dẫm vào họ để mong được bảo bọc. Có người thân nhưng không có nơi nương tựa, tôi vẫn phải sống bằng đôi tay của chính mình.

Mẹ làm được và tôi làm con của mẹ, tôi phải sống sao để sự ra đi của mẹ không lãng phí. Tôi từ bỏ cuộc sống mà mẹ ban cho tôi thì tôi là một đứa con bất hiếu. Tôi phải sống, phải ngẩng cao đầu để sống vì đó là điều mà cho dù còn hay mất, mẹ mong chờ ở tôi nhất. Không có điều gì là không thể nếu ta tin rằng mình làm được. 

Tôi phải thay đổi thái độ của chính mình, tôi phải có niềm tin vào một tương lai tốt đẹp, tôi phải tin vào mẹ. Bắt đầu từ phục vụ quán cà phê, chà nhám gỗ cho một cửa hàng thủ công mỹ nghệ, rồi nhờ sự giúp đỡ của những người bạn tôi làm ở HSBC, rồi Petrolimex, hiện nay tôi làm IT cho một công ty mạng, và tiếp tục hoàn thành việc học tại FPT. Tôi đang tạo dựng tương lai cho mình.

Tôi nhận ra rằng xung quanh tôi vẫn có rất nhiều yêu thương. Tôi sống nhờ vào tình thương và sự giúp đỡ của những người tốt trong xã hội. Tôi tin rằng trong cuộc sống này vẫn tồn tại đâu đó tình yêu, tình người. Trên hết tôi hiểu rằng khi tôi biết yêu thương bản thân, tôi không bỏ rơi mình thì xã hội này không bỏ rơi tôi, tôi không cô đơn. 

Chỉ cần một thái độ sống đúng đắn và sự cố gắng hết mình tôi sẽ thành công. Cho dù chưa thật sự thành đạt trong cuộc sống nhưng với lối suy nghĩ tích cực và sự nỗ lực, tôi sẽ làm được. Ước mơ lớn nhất của tôi bây giờ là làm sao có thể qua Thụy Sỹ đưa hài cốt mẹ về quê hương và về bên con cái. Làm được điều đó là tôi làm được tất cả.

Thu Thủy (Tổng hợp)

Kể lại một câu chuyện đáng nhớ của bản thân – Văn mẫu hay lớp 9
Đánh giá bài viết
Loading...
LIKE ỦNG HỘ TÁC GIẢ