Miêu tả cảnh mục đồng thổi sáo dẫn trâu về nhà – Văn mẫu hay lớp 7

Bằng trí tưởng tượng , em hãy tả cảnh mục đồng thổi sao dẫn trâu về nhà khi chiều xuống – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Hà Giang

Quê em là một làng nhỏ nằm bên bờ sông Đáy hiền hoà, mềm mại uốn lượn giữa bạt ngàn ruộng mía, bờ dâu tươi tốt. Đám trẻ xóm Thượng chúng em thường hẹn nhau dắt trâu ra bãi cỏ xanh mượt cuối làng để chăn. Đây là thế giới kì thú của tuổi thơ với bao trò chơi hấp dẫn như đánh đáo, đánh khăng, đúc dế, đánh trận giả, thả diều… Nhưng dù chơi vui tới đâu thì đến lúc mặt trời lặn sau dãy núi Ba Vì tím biếc phía Tây, chúng em cũng bảo nhau dong trâu về nhà.

Loading...

Dần đầu là con trâu đực của Thắng. Nhìn nó ai cũng thích. Cặp sừng to và cong vút nghênh nghênh kiêu hãnh. Đôi mắt ốc nhồi đen ướt, hai cái tai lá mít ve vẩy, bốn chân bước đủng đỉnh dỡ cái bụng căng tròrỉ, đen bóng. Trên tấm lưng rộng của nó, Thắng ngồi vắt vẻo, tay nhịp chiếc roi tre, thỉnh thoảng lại phất nhẹ vào mông thúc trâu rảo bước.

Nối theo sau là chú trâu tơ của Đức, vóc dáng mập mạp, cái bụng no cỏ tròn căng. Vừa đi nó vừa ve vẩy đuôi, đôi mắt lim dim ra chiều thích thú. Đức ngồi vắt chân qua một bên, mải mê thổi sáo. Đức được bố dạy cho từ bé nên cậu ta thuộc nhiều bài và thổi khá hay. Tiếng sáo réo rắt, du dương ngân lên trong không gian êm đềm, tĩnh lặng. Hai bên đường, đồng lúa dập dờn như sóng biển trước cơn gió nồm nam mát rượi.

Đàn trâu vẫn thong thả bước. Tiếng móng trâu gõ lộp cộp đều đều như những nốt nhạc trầm làm nền cho tiếng sáo vút cao. Xa xa, chân trời mênh mông tím sẫm, điểm những cánh cò trắng đang vội vã bay về tổ sau một ngày lặn lội kiếm ăn.

Em thả hồn theo tiếng sáo véo von của Đức. Tiếng sáo như lời tâm tình thủ thỉ của người dân quê em. Em lẩm nhẩm hát theo: Có ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới. Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi… Hết bài này, Đức thổi sang bài khác. Nào là Việt Nam quê hương tôi, rồi lại Trường em, Em là búp măng non… Mấy bạn dong trâu sau lưng em cũng vui vẻ hát lên theo điệu sáo.

Trong bóng chiều nhập nhoạng, chiếc cổng làng bằng gạch cũ kĩ rêu phong đã hiện ra sau làn sương mỏng. Hai bên cổng, luỹ tre ken dày kéo dài thành bức tường tự nhiên che chở xóm thôn. Ngọn tre uốn cong, đung đưa theo gió, thân tre cọ vào nhau phát ra âm thanh kẽo kẹt tựa tiếng võng trưa hè.

Đàn trâu vẫn đủng đỉnh bước trên con đường làng lát gạch vương vãi rơm rạ. Mùi bèo dưới ao bốc lên ngai ngái lẫn với mùi khói bếp ấm nồng. Mùi lá cây tươi quyện lẫn mùi hoa cau, hoa bưởi thơm ngát… Tất cả tạo thành mùi vị quen thuộc của mảnh đất này.

Chúng em chia tay nhau dưới gốc đa trước sân đình rồi tản về các ngả, không quên hẹn gặp nhau vào chiều mai. Đức dắt chiếc sáo vào thắt lưng rồi nhảy xuống đất, ngoái lại bảo em: – Ăn cơm xong, cậu sang nhà tớ nhé! Chủng mình sẽ giải nốt mấy bài toán thầy cho buổi sáng. À, mai đi chăn trâu, nhớ mang theo sáo. Tớ sẽ dạy cậu thổi, chẳng khó lắm đâu! Nghĩ đến lúc mình cũng thổi sáo hay như Đức, lòng em rộn lên một niềm vui khó tả. Phải! Em sẽ mượn tiếng sáo để bày tỏ tình cảm gắn bó thiết tha với quê hương yêu dấu!

Bằng trí tượng tượng của mình em hãy tả cảnh mục đồng thổi sáo dẫn trâu về nhà khi chiều xuống – Bài làm 2

 

Việt Nam là một đất nước thuần nông, trước đây có đến hơn chín mươi phần trăm dân số của nước ta làm nông nghiệp, sinh sống ở nông thôn. Cũng chính xuất phát điểm đó đã tạo ra một nền văn hóa thuần nông vô cùng độc đáo, phong phú cho Việt Nam. Từ hoạt động sản xuất, canh tác trồng trọt, chăn nuôi đến những phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt mang tính đặc trưng mà chỉ có ở Việt Nam. Và một trong những thói quen sinh hoạt em cho là độc đáo và đặc trưng nhất ở vùng nông thôn Việt Nam mà em biết đó chính là cảnh mục đồng thả diều, chăn trâu, khi dẫn trâu về nhà thì thổi nên những khúc nhạc du dương, trầm bổng đi vào lòng người.

Ta có thể thấy, để sản xuất nông nghiệp thì người nông dân Việt Nam bên cạnh những yếu tố quan trọng như sức khỏe, kinh nghiệm, kĩ năng thì cũng cần sự trợ giúp của các yếu tố khác, như mượn sức khỏe của những con trâu để giúp cày bừa, giúp làm tơi những tấc đất ở ruộng. Vì vậy mà từ lâu trong văn hóa nông nghiệp của Việt Nam thì con trâu đã trở thành một người bạn đồng hành thân thiết, hữu ích với những người nông dân. Chỉ cần đặt chân về các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là thời điểm vào vụ thì ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người nông dân siêng năng đi sau con trâu cần cù cày từng tấc ruộng.

Sau mỗi ngày làm việc vất vả, buổi chiều chính là thời gian những con trâu được nghỉ giải lao lấy lại sức lực. Những cậu bé mục đồng sẽ giúp cha mẹ của mình mang trâu ra đồng, thả trên những đám cỏ tươi ngon, cho chúng ăn những ngọn cỏ tươi ngon, tươi mát nhất. Gắn liền với những hình ảnh con trâu lặng lẽ đứng gặm cỏ chính là hình ảnh của những cậu bé mục đồng thả diều, thổi sáo bên cạnh. Hình ảnh ấy bình dị nhưng thật đẹp, không biết tự bao giờ nó đã trở thành một nét đặc trưng, một ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm dân gian, để mỗi khi nhắc đến con trâu người ta thường hay liên tưởng đến những cậu bé mục đồng nghịch ngợm ngồi trên lwung trâu vừa thả diều, vừa thổi sáo.

Không chỉ đi vào tâm thức của người dân Việt Nam như một lẽ tự nhiên mà hình ảnh những cậu bé mục đồng chăn trâu, thổi sáo đã đi vào văn chương, thi họa đầy màu sắc nghệ thuật. Nhiều nhà văn nhà thơ dân gian đã đưa vào các tác phẩm văn chương của mình hình ảnh của những cậu bé mục đồng như những đặc trưng của làng quê nông thôn Việt Nam, nó thậm đượm màu sắc dân gian, góp phần thể hiện ra được những truyền thống văn hóa đầy độc đáo của dân tộc Việt Nam. Ở trong nghệ thuật vẽ tranh, hình ảnh cậu bé mục đồng hiện lên đầy màu sắc, với đầy đủ các sắc thái riêng. Nhưng có lẽ phổ biến nhất chính là hình ảnh của một cậu bé lên chín, lên mười, cắt tóc trái đào, mặc yếm đỏ ngồi trên lưng trâu thổi sáo, bên cạnh là chiếc lá sen dùng để che nắng và trên đầu chính là một con diều đang thả.

Hình ảnh giản dị nhưng lại vô cùng thu hút với vẻ đẹp độc đáo, ấn tượng, với người Việt Nam thì nó có giá trị hơn bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào khác. Và đã là người Việt Nam hẳn ai cũng một lần từng nhìn thấy bức tranh mục đồng trong dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất nhì Việt Nam là tranh dân gian Đông Hồ. Những nét vẽ trên giấy điệp càng làm cho bức tranh mục đồng thấm đượm hương vị dân gian, khơi gợi những cảm xúc thân thuộc ở những người nhìn, người ngắm.

Ở những làng quê Việt Nam, vào mỗi khi chiều đến, khi ánh mặt trời gay gắt lùi sau những đám mây thì những đứa trẻ nông thôn bắt đầu rủ nhau mang trâu ra đồng thả. Ai cũng lựa chọn những vùng đất có cỏ tươi non nhất để thả trâu. Và thường thì những cậu bé này thường rủ nhau cùng đi, cùng thả trâu trên một bãi cỏ, vì vậy mà hình ảnh những con trâu, những cậu bé mục đồng trở nên vô cùng hài hòa, đẹp đẽ. Tuy nhận trách nhiệm chăn trâu nhưng ra đến đồng những cậu bé đóng cọc trâu xuống đất còn mình thì thoải mái chạy nhảy, nô đùa. Có khi chúng cùng nhau chơi bịt mắt bắt dê, có khi chơi trốn tìm, không thì có thể đọc sách, thả diều.

Sau khi trời đã ăn no, trời bắt đầu sẩm tối thì những chú bé mục đồng lại dắt trâu ra về. Những chú bé mục đồng nhảy lên lưng trâu vừa thổi sáo vừa dẫn trâu ra về. Những khúc nhạc thổi lên là những bài ca dao, những bài đồng ca quen thuộc, nhưng âm thanh buổi chiều tà lại vang vọng lên những tiết tấu vừa trầm vừa bổng, du dương đi vào lòng người, như những bản nhạc giao hưởng thực thụ.

Hình ảnh cậu bé mục đồng thổi sáo trên lưng trâu vô cùng thân quen, nhưng không vì vậy mà nó trở nên nhàm chán, ngược lại nó có khả năng gợi lại những kí ức tươi đẹp của tuổi thơ, thể hiện những bản sắc độc đáo của con người, dân tộc Việt Nam.

Thu Thủy (Tổng hợp)

Miêu tả cảnh mục đồng thổi sáo dẫn trâu về nhà – Văn mẫu hay lớp 7
Đánh giá bài viết
Loading...
LIKE ỦNG HỘ TÁC GIẢ