Tả cảnh mùa gặt quê hương em – Văn mẫu hay lớp 7

Em hãy tả lại cảnh ngày mùa ở quê em – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Bình Dương

Mùa đồng, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng, những màu vàng rất khác nhau.

Loading...

Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra thì trông thấy màu trời có vàng hơn thường khi màu lúc chín dưới đồng vàng. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt treo lơ lửng.

Từng chiếc lá mít vàng ối. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở ra cánh vàng tươi. Buồng chuối đốm quả chín vàng. Những tàu lá chuối vàng ối xoã xuống như những đuôi áo, vạt áo. Nắng vườn chuối đang có gió lần với lá vàng như những vạt áo nắng. Dưới sán, rơm và thóc vàng giòn. Quanh đó, con gà, con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vảng mới. Lát đây cây lại có mấy chiếc lá đỏ. Qua khe giậu, ló ra mấy quả ớt đỏ chói. Tất cả đượm một màu vàng trù phủ, đầm ấm lạ lùng. Không còn có cảm giác héo tàn, hanh hao lúc sắp bước vào mùa đông. Hơi thở của đất trời, mặt nước thơm thơm, nhè nhẹ.

Ngày không nắng, không mưa, hễ như ai tưởng đến ngày hay đêm, mà người ta chỉ mải miết gặt, kéo đá, cắt ra, chia thóc hợp tác xã. Ai cũng vậy, cứ buông bát đũa lại đi ngay, cứ trở dậy là ra đồng ngay.

Tả cánh đồng quê em đang trong mùa gặt hái – Bài làm 2

Ba tháng một lần, cánh đồng làng vào vụ lúa. Cũng chừng ấy thời gian để lúa lớn, trổ bông và chín vàng. Cánh đồng lúa lúc ấy lại vào mùa gặt hái.

Trên cánh đồng ruộng, cò bay thẳng cánh, từng ô ruộng chia ra như bàn cờ. Lúa chín không đồng loạt một lượt. Đám ruộng nào gieo cấy trước sẽ chín trước, đám ruộng nào gieo cấy sau sẽ chín sau. Mỗi vùng ruộng chỉ chín cách nhau ít ngày. Thế nên, lần lượt các ô ruộng đều tới kì gặt hái. Trên cánh đồng, lúa chín vàng trĩu hạt đẹp như tranh vẽ; các bà, các chị tay liềm thoăn thoắt từng ôm lúa. Phút chốc, từng gốc rạ cụt lủn trơ ra trên nền ruộng bùn đã khô cứng lại, dè dặt như cái nền đất thịt. Một vài chị đi sau thợ gặt, bó lúa lại thành từng bó rồi chất dồn vào hai đầu quang gánh, gánh lên bờ lề đường làng. Ngay lề đường, một chiếc xe tuốt lúa đang chờ sẵn. Chú thợ tuốt lúa quẳng từng ôm lúa vào miệng phễu của máy tuốt rồi quay cho nổ giòn. Dưới miệng phễu máy, lúa hột tuôn ra như một suối thóc vàng, chảy vào thúng đã hứng sẵn. Đằng sau máy tuốt, gié lúa chỉ còn lại rơm phun rathành đống, ngàymột cao. Chủ ruộng nhanh nhẹn trút từng thúng lúa vàng vào bao, cột lại thật chặt, chồng đống, chờ xe bò chở thóc về sân phơi. Thợ gặt nhanh tay gặt lúa. Các chị nhanh tay bó lúa rồi gánh từng gánh trĩu nặng đến máy tuốt. Chiếc máy tuốt không ngừng phun rạ ra sau, để lại dưới bụng máy từng thúng thóc vàng ươm. Đống rơm chẳng mấy chốc vun cao như ngọn đồi rạ màu vàng xuộm. Công việc nối công việc, thợ tuốt lúa giục thợ gánh lúa. Việc cứ thế nối nhanh thành từng chuyến xe bò chở đầy những bao lúa căng phồng về sân kho. Trên cánh đồng, một phần ba ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Đồng ruộng như trống ra. Dường như gió mạnh hơn, làm vùng lúa chín còn lại chưa gặt nhấp nhô sóng gợn. Bầy chim gáy từ đâu bay về, đang nhặt thóc rơi rụng quanh gốc rạ. Chúng gọi nhau, gù lên âu yếm, tiếng gù nghe vui tai, giục giã: cúc cù cu. . cúc cù cu… Trưa, thợ gặt nghỉ tay quây quần dưới gốc râm của cây đa ăn trưa, đùa giỡn, trò chuyện rộn rã một vùng. Các chị nói chuyện bông đùa rồi cười giòn giã ghẹo nhau. Không biết các chị đùa những gì mà vui thế, chú trâu non gặm cỏ bên lề ô ruộng mới gặt, ngẩng đầu ngơ ngác nhìn về phía tiếng cười một chốc rồi lại cúi xuống thong thả liếm từng vạt cỏ xanh. Hết giờ nghỉ trưa, trời nắng chang chang. Thợ gặt tiếp tục xuống ruộng gặt nốt phần ruộng còn lại. Xế chiều, phần lúa chín nhất đã gặt xong. Từng chuyến xe đầy ắp bao thóc lần lượt về sân kho. Thợ gặt khoan khoái lên bờ, rửa tay chân ở mương nước rồi thong thả ra về. Cánh đồng thở nhẹ dưới gió chiều, xoè bông lúa đã ngả vàng như phơi ra nắng gió cho nhanh chín, chờ thợ gặt hái trong vài ngày tới. Từng bầy chim sẻ nhảy trên đường làng, mổ lúa rơi trên những cọng rơm còn sót lại. Chúng huyên thuyên một đỗi rồi bay vù lên cây đa. Chiều xuống nhanh trên vùng ruộng lúc này tĩnh lặng, chỉ có gió thổi rì rầm trò chuyện cùng ngọn lúa, bờ mương.

Ngắm cánh đồng trong mùa gặt, em chợt nhớ đến hai câu thơ trong bài học thuộc lòng:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Nhớ công người gặt, cấy cày sớm hôm”.

Từng giọt mồ hôi của người nông dân đổ xuống cánh đồng để đổi lấy hạt thóc vàng ươm, hạt gạo trắng thơm ngọt dẻo cho em ăn. Em chân thành biết ơn các bác nông dân đã làm ra lúa gạo. Lớn lên, em sẽ làm ngành nghiên cứu hạt giống để giúp nông dân bội thu, an nhàn hơn trong công việc làm nông.

Tả cảnh ngày mùa trên quê hương em – Bài làm 3

Ai đó hay gọi mùa gặt lúa là “mùa vàng”. Cũng phải thôi, mới tháng 4, những thân cò trắng toát lặng lẽ kiếm ăn bên từng đám lúa xanh thì con gái. Lâu lâu không qua, tháng 6 lúa đã vàng, cò đi hết, những cánh đồng được trải kín bởi một màu duy nhất: vàng rực rỡ. Lúa đã qua thì con gái, đã ăn đủ nước, đủ chất, đủ mồ hôi, nay trả lại người những hạt vàng căng mẩy. Hàng trăm hạt thóc nhỏ như đám trẻ ăn no, nằm gối vào nhau, kéo trĩu cây mẹ đã héo hon, vàng võ xuống sát mặt ruộng. Cánh đồng rộn ràng vào mùa gặt.

Mùa lúa chín­ mùa gặt, nông dân đổ ra đồng. Theo tay liềm, những thân lúa đổ xuống thành dãy gọn gàng, những cây lúa, hạt thóc vàng rời đất mẹ nằm im lìm đợi được gom về. Lúa được bó lại đem tuốt. Bên này tiếng máy tuốt xình xình kêu, lúa bỏ vào máy, thóc ra một đằng, rơm bay vèo vèo ra một nẻo. Bên kia bạt được trải ra, bàn đập được mang tới; bó lúa nâng lên, hạ xuống chạm vào bàn, những hạt vàng bắn ra long lanh trong nắng. Thóc không tự chảy về nhà như trong truyện cổ tích, người trồng lúa không ngồi nhà đợi thóc về, họ phải đánh đổi: đổi những ngày dãi nắng dầm mưa, đổi những hạt mồ hôi, đổi tấm lưng còng lấy hạt thóc đem về. Bên thửa ruộng còn trơ cuống rạ, Bác nông dân có chòm râu bạc, khuôn mặt đỏ nắng ướt đẫm mồ hôi dang tay dồn thóc vào bao, chất lên xe bò kéo về nhà…

Hình như miền núi không cấy đồng loạt như miền xuôi, cho nên trong khi có người vẫn đang gặt lúa, thì cách đó không xa, có những thửa ruộng gặt xong đã trơ thân rạ làm thức ăn cho trâu bò. Hình như cũng chỉ mùa này trâu, bò mới được tự do trên đồng đến thế, con đứng gặm rạ ràn rạt, con nằm vểnh tai mơ màng ngẫm nghĩ, con lại cuồng chân chạy thục mạng trên đồng khiến lũ chim giật mình bay tung. Tiếng líu ríu chim sẻ, tiếng tinh tang lục lặc trâu, tiếng cười nói hòa vào nhau rộn ràng, yên ấm. Vài cô bé đội nón trắng, tranh thủ lúc thả trâu, đi mót những nhánh lúa sót lại, lúa vẫn vàng, hạt vẫn căng đầy như thiếu nữ mười tám. Các chú bé lại có thú vui khác, tay mỗi người đều có một chiếc lọ nhỏ, tay kia huơ huơ trên những gốc rạ, mỗi lần huơ huơ là một con cào cào hay châu chấu nằm gọn trong lòng bàn tay. Tiếng cười hồn nhiên vang dội cánh đồng miền núi.

Cánh đồng mùa gặt là thế, lúc sôi động, lúc bình lặng. Sôi động là cảnh gặt, tuốt lúa, là tiếng cười đùa. Bình lặng là đàn trâu lặng lẽ đứng, nằm, là những đống rơm đốt dở khói lam, làn khói mỏng manh len lỏi trong từng đụn rơm, khóm rạ, hương khói quyện vào nắng chiều. Đứng trên đường, phóng tầm mắt về sát chân núi, chỉ thấy những làn khói mỏng bay vấn vít xen giữa màu xanh ngăn ngắt của ngô, của rừng. Khói bay lại, trên những lùm tre, trong tóc, trên áo. Không giống mùi thơm ngái của lúa xanh, chẳng giống mùi thơm mát của hạt lúa non trắng sữa. Mùi rơm cháy rất lạ, nồng nồng, khen khét, nhưng không dễ quên. Bởi khó quên, nên đâu đó, giữa phố thị đông đúc mới có người bất chợt thấy trong làn gió có mùi nếp mới bỗng nhớ về chõ xôi, nhớ mái tóc pha sương của mẹ, nhớ mùa lúa chín, nhớ những cánh đồng vàng ươm trong nắng, nhớ khói lam chiều và mùi khen khét, nồng nồng. Dù đi xa mấy, dù thời gian trôi lâu đến mấy, mùi lúa non, mùi rơm, rạ, mùi khói lam của mùa gặt vẫn không hề phai nhạt trong ký ức tuổi thơ mỗi con người. Nhớ lắm! Nhớ không thể quên! Bởi nó là mùi của quê hương, mùa của sự trở về.

Tả cảnh mùa gặt ở quê em – Bài làm 4

Năm nay, em được về quê chơi đúng vào mùa gặt, khi những thảm lúa vàng trên cánh đồng đã gọi từng bầy chim én nhỏ. Cả vùng quê yên ả bỗng chốc trở nên nhộn nhịp hẳn lên.

Tháng sáu, lúa đã vàng, những cánh đồng được trải kín bởi một màu duy nhất: vàng rực rỡ. Những bông lúa vàng căng mẩy như đám trẻ ăn no, nằm gối vào như, kéo trĩu cây mẹ xuống sát mặt ruộng. Cánh đồng rộn ràng vào mùa gặt. Mùa lúa chín, những cô bác nông dân nô nức đổ ra đồng. Những nón trắng lom khom cắt lứa nổi bật trên tấm thảm màu vàng khổng lồ của ruộng lúa. Theo tay liềm, những thân lúa để xuống thành dãy gọn gàng những cây lúa, hạt thóc vàng rời đất mẹ nằm im lìm đợi được gom về. Gặt đến đâu, đồng quang đến đó, chỉ còn trơ lại gốc rạ tua tủa trên nền đất màu nâu thẫm. Chiều về, những chiếc máy tuốt lúa quay đều tạo ra âm thanh gấp gáp, hối hả và đem lại cảm giác về một vụ lúa được mùa, một vụ ngô trĩu hạt. Dọc theo triền đê, máy tuốt lúa kêu rào rào. Những chiếc nón trắng nhấp nhô theo nhịp tay đưa lúa vào máy. Tiếng hò, tiếng hát của các cô thôn nữ cũng trở nên ngọt ngào hơn. Em theo đám trẻ trong làng lên triền đê chạy nô đùa, tung lên trời đủ thứ diều đang căng mình đón gió.

Ngày mùa vất vả nhưng không ngớt tiếng cười, hương lúa mới vẫn căng lồng ngực. Nhìn cảnh làng quê vào mùa gặt, em thấy lâng lâng một niềm vui. Năm nay bội thu, nhà ai cũng sẽ đủ cơm no, áo ấm.

Qua một ngày lao động vất vả, sẩm tối, từ những cánh đồng quanh làng, dòng người tấp nập trở về nhà. Niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt của mỗi người. Bao nhiêu rơm rạ phơi trên các lối ngõ, dọc theo bờ ao được các cụ bà ở nhà gom lại chồng thành đống. Cây rơm chất đầy, cao ngất, vàng ươm. Những đống rơm đốt dở khói lam, làn khói mỏng manh len lỏi trong từng đụn rơm, khóm rạ, hương khói quyện vào nắng chiều. Sân lúa ắp đầy cũng được thu dọn cho vào bao, đề phòng cơn mưa rào mùa hạ ập xuống bất chợt.

Thời gian trôi qua thật nhanh, chẳng mấy chốc là kì nghỉ hè của em sẽ kết thúc. Trở về thành phố nhưng mùi lúa non, mùi rơm, rạ, mùi khói lam của mùa gặt vẫn không hề phai nhạt trong kí ức tuổi thơ của em. Em cầu trời mưa thuận, gió hòa để mùa gặt nào lúa cũng nặng tay liềm của các bác nông dân, để những đàn chim én nhỏ bay về làm rộn vui cả vùng quê, để gió hè thổi mát lưng ai sau những nhọc nhằn và để em có được những kỉ niệm ngọt ngào ngày thơ bé.

Thu Thủy (Tổng hợp)

Loading...