Xem nhanh nội dung
Cảm nghĩ của em về người ông kính yêu – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Bắc Giang
Sau những giờ học căng thẳng trên lớp hay mỗi khi có chuyện buồn, em chỉ mong trở về nhà thật nhanh để được nhìn thấy bóng dáng thân thương, yêu quý của ông nội. Với em, ông nội là một người vô cùng quan trọng. Em không chỉ yêu thương, kính trọng mà còn vô cùng biết ơn vì những bài học quý báu ông dành cho em.
Ông nội em năm nay đã gần tám mươi tuổi. Tuy thế, ông vẫn thật khỏe mạnh. Ông có dáng người đậm và chắc, bước đi điềm tĩnh, khoan thai. Râu tóc của ông đã bạc trắng nhưng da dẻ vẫn hồng hào. Đôi mắt của ông không còn màu đen trong tinh anh mà đã thoáng màu mờ đục, khi đọc sách, ông thường phải dùng đến cặp kính lão cất cẩn thận trong hộp. Râu ông mọc dài đến ngang ngực. Đôi lúc, hình ảnh của ông khiến em nghĩ đến một ông tiên, ông Bụt nào đó trong cổ tích. Đặc biệt, hai cánh tay của ông còn khá săn chắc, thỉnh thoảng, ông vẫn xách những xô nước mà em phải ì ạch mãi không di chuyển được. Nhìn ông đánh đàn trâu ra bờ mương chăn không ai tin được tuổi ông đã đến vậy. Ông cũng rất ít ốm đau, các cô bác hàng xóm thường khen: “Ông thật có phúc!”. Riêng em, em hiểu rõ tại sao sức khỏe của ông lại tốt như thế. Ấy là vì ông rất chăm tập thể dục. Sáng sáng, ông dậy sớm làm vệ sinh cá nhân rồi lên tầng thượng tập tạ. Buổi chiều, ông lại gọi em, hai ông cháu chạy bộ trong sân trường tiểu học. Thêm nữa còn là chế độ ăn uống của ông. Mồi bữa ông ăn nhất định một sô lượng cơm, ăn nhiều rau và mỗi ngày uống một chén rượu nhỏ. Điều em khâm phục nhất là ông giữ chế độ tập luyện và ăn uống rất điều độ. Em học được ở ông tính tự giác và kỉ luật cao: theo tấm gương ấy của ông, em học bài và làm bài đều đặn, cô gắng không để những việc riêng làm ảnh hưởng đến chuyện học tập.
Không chỉ vậy, ông còn là một tấm gương mẫu mực về lối sống trong gia đình khiến mọi người yêu quý, kính trọng. Ông sống tiết kiệm, ngăn nắp và điềm tĩnh. Phòng riêng của ông lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ. Ông thường tự quét dọn, sắp xếp lấy phòng mình ít khi phiền đến con cháu. Mỗi dịp lễ Tết, bố mẹ em lại muốn mua biếu ông quần áo hoặc bộ cần câu mới nhung ông đều từ chối nói rằng để cho cu Tít (là em) ăn học. Đôi khi, bố mẹ em có điều gì to tiếng với nhau, ông lại nhẹ nhàng hòa giải, nhắc nhở rằng phải biết lấy hòa thuận trong gia đình làm trọng, tránh cãi vã lẫn nhau ảnh hưởng không tốt đến con cái.
Riêng em, từ nhỏ đến lớn, em giống như cái bóng nhỏ loắt choắt theo chân ông. Với em, ông vừa cưng chiều vừa nghiêm khắc dạy dỗ. Được ai biếu tặng tiền, ông đều gọi bố mẹ em đến nói rằng ông cho thăng Tít, dặn bố mẹ em phải biết cách tiêu cho con. Lương hưu hàng tháng, ông cũng trích ra để khi thì mua cho em sách vở, lúc lại mua quà hay mua quần áo mới cho em. Những lúc rảnh rỗi, ông còn dạy em làm điều, làm đèn Trung thu, câu cá… Thậm chí, ông còn làm “quân sư” cho em khi em gặp những chuyện không hay, khó xử nữa. Bởi thế, với em, nhắc đến ông là nhắc đến bao niềm yêu thương đầy thiêng liêng, xúc động.
Ông nội thật là một cây cao bóng cả tỏa mát trên mái nhà của gia đình em. Yêu quý ông, em ước ông sống thật lâu để em được học từ ông những điều hay điều đẹp. Em cũng tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để làm ông vui lòng!
Em hãy trình bày cảm nghĩ của em về người ông kính yêu của mình – Bài làm 2
Điều may mắn nhất trong cuộc đời mỗi người có lẽ đó chính là có được một mái nhà yêu thương, đó là nơi nuôi dưỡng ta trưởng thành, vỗ về ta mỗi khi ta gặp biến cố cũng như khó khăn trong cuộc sống. Bởi ở đó luôn có những người yêu thương ta thật lòng, quan tâm chúng ta bằng tất cả tấm lòng chân thành, tự nguyện nhất. Em yêu tất cả các thành viên trong gia đình của mình, trong đó, người mà em kính trọng nhất, đó chính là ông nội của em.
Gia đình bao gồm ba thế hệ, ông bà, bố mẹ và chị em em, đó là đại gia đình mà em luôn tự hào. Vì từ nhỏ em đã sống chung với ông bà nên tình cảm em dành cho ông bà không phải chỉ là sự thân thiết, gần gũi mà còn là tất cả sự kính trọng, yêu thương. Ông nội là người em luôn kính mến, ngưỡng mộ và cũng là người dạy em nhiều điều hay lẽ phải ở đời. Ông nội em vốn là một cựu chiến binh, từng chinh chiến trên chiến trường Trường Sơn để bảo vệ đất nước, mang lại độc lập của dân tộc.
Năm 1954, nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc, ông của em đã tự nguyện xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Qua những bài học lịch sử trên lớp và những câu chuyện chiến trường mà ông hay kể cho em thì em biết được rằng chiến trường là nơi vô cùng nguy hiểm, nơi mà quân ta phải đương đầu với quân địch, trong không khi mưa bom bão đạn như vậy thì tính mạng của người lính cũng hết sức mong manh. Hiểu được như vậy em càng cảm thấy ngưỡng mộ và tự hào về người ông anh hùng của mình.
Vì đất nước, vì đồng bào ông của em đã tham gia đấu tranh chống Pháp, cái ác liệt của chiến tranh cũng không làm ông nhụt chí, trong mọi hoàn cảnh ông đều kiên cường vượt qua, và không chỉ đấu tranh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mà khi đế quốc Mĩ xâm lược thì một lần nữa ông em xung phong chiến đấu ở chiến trường miền Nam thống nhất đất nước. Tuy may mắn có thể trở về được an toàn nhưng ông em cũng phải mang nhữn thương tật bên mình, chân phải của ông từng bị trúng đạn giặc nên giờ đây ông không đi được như bình thường, mỗi ngày trái gió trở trời thì ông lại bị đau nhức xương cốt.
Mỗi lần ông bị đau chân như vậy, em thường giúp ông đi lên những bậc hè cao, đỡ ông xuống sân khi ông muốn ra vườn cắt tỉa những chậu cây cảnh. Em chợt nhớ đến những câu thơ trong bài thương ông, em thấy tình cảm của cậu bé dành cho ông trong bài thơ cũng giống như tình yêu em dành cho ông nội của mình:
“Ông bị đau chân
Nó sưng nó tấy
Đi phải chống gậy
Khập khiễng khập khà
…
Vì nó thương ông”
Ông em tuy là cựu chiến binh nhưng lúc đất nước mới được giải phóng, ông em không được công nhận là thương binh bởi một trận lũ lụt đã cuốn trôi tất cả những giấy tờ có liên quan. Lúc ấy tuy chưa hiểu nhiều lắm nhưng em thấy ông bị đối xử rất bất công, dùng cả tuổi trẻ để đấu tranh chống giặc giành chính quyền, nhưng khi hòa bình lập lại không những không được công nhận chiến công mà còn bị phủ định hết những công lao trước đó, một tờ giấy có thể chứng minh được điều gì, quan trọng không phải ông của em đã làm được gì cho đất nước hay sao.
Nhưng trái ngược lại với sự mất bình tĩnh của em, ông em không những không tức giận mà còn rất bình thản, bởi theo ông thì mục đích ông ra chiến trường, vào sinh ra tử cùng những người đồng đội không phải để nhận lấy những lời khen ngợi, được nhận những huân chương cao quý, mà đơn giản chỉ là muốn giành lại độc lập cho dân tộc, bảo vệ cuộc sống của những người Việt Nam. Ông em là một người nhân hậu, tấm lòng của ông cũng thật đáng trân trọng, những đức tính tốt của ông là mục tiêu để em học tập, phấn đấu.
Ông hay kể cho em những câu chuyện ở chiến trường, ông nói về cái ác liệt của chiến tranh, nói về tình đoàn kết giữa những người lính, ông nói cuộc sống chiến trường gian khổ, thiếu thốn nếu như không có những người đồng đội hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau thì khó có thể vượt qua tất cả. Những người lính trong lời kể của ông là những người có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, lí tưởng cao đẹp, họ cũng là những người lạc quan, yêu đời, trong khói lửa của chiến tranh họ vẫn cất cao những lời ca tiếng hát, tự động viên tinh thần đấu tranh của mình.
Ông là người em yêu quý nhất, ông có tấm lòng nhân hậu to lớn cùng rất nhiều những phẩm chất tốt đẹp. Ông là tấm gương sáng để thế hệ con cháu như chúng em noi theo. Em rất yêu quý và tự hào khi là một đứa cháu nhỏ của ông.
Cảm nghĩ của em về người ông kính yêu – Bài làm 3
Ông nội em là sĩ quan quân đội về hưu với hàm đại tá. Gần như suốt cuộc đời, ông công tác xa nhà, giờ đây mới có điều kiện chung sống với gia đình. Ông em rất vui, vì được ở nhà với đàn cháu thân yêu.
Ngày nào cũng vậy, cứ tang tảng sáng là ông em dẫn đầu nửa "tiểu đội" cháu nội, cháu ngoại chạy dọc con đường làng dẫn ra cánh đồng để hít thở không khí trong lành. Gió sớm mát lộng, bầu trời thoáng đãng. Em khoan khoái hít căng lồng ngực hương vị quen thuộc của đất đai, cây cỏ quê hương. Tập thể dục buổi sáng xong, ông nhắc nhở các cháu đánh răng, rửa mặt, ăn sáng và thay quần áo, chuẩn bị đến trường. Nhìn đàn cháu ngoan ngoãn khoanh tay, cúi đầu lễ phép đồng thanh cất tiếng chào, ông em mỉm cười sung sướng: "Ừ! Ông chào các cháu! Nhớ học cho ngoan nhé!".
Em rất thích tác phong làm việc nhanh nhẹn, dứt khoát của ông. Trước khi làm bất cứ việc gì, ông đều cân nhắc kĩ. Ông thường bảo: "Làm việc cũng như đánh trận ấy các cháu ạ! Phải xem xét thật cẩn thận, tìm ra cách thực hiện nhanh nhất và có hiệu quả nhất". Ông nói được, làm được và rèn luyện cho đàn cháu nề nếp ấy. Từ ngày ông về, ngôi nhà khang trang, sáng sủa hẳn lên, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng đâu vào đấy. Không còn cảnh giày dép, đồ chơi, sách vở bạ đâu vứt đấy bừa bãi như trước đây. Cháu nào phạm lỗi, ông nhẹ nhàng nhắc nhở, ít khi quở mắng. Thấy cách dạy các cháu của ông, bà em bằng lòng lắm.
Mặc dù gắn bó với môi trường quân đội gần bốn mươi năm nhưng ông em vẫn giữ nguyên bản chất của người nông dân chất phác thật thà, cần cù chăm chỉ. Mọi việc lớn nhỏ, ông chẳng nề hà vất vả. Khu vườn nhà em dạo trước chỉ có dăm ba cây ổi, cây táo cằn cỗi, bây giờ đã xanh tốt với những dãy chuối, bưởi, cam, nhãn, vải thiều và nhiều thứ cây ăn quả khác. Mùa nào thức ấy, trong nhà lúc nào cũng có hoa quả tươi mới, ngọt ngào. Đó là công sức của ông đổ ra đã mấy năm nay. Ông em thích làm việc, thích mang lại niềm vui cho mọi người.
Mỗi tháng, Hội Cựu chiến binh của xã lại họp ở nhà em một lần vì ông em là chủ tịch hội. Gặp gỡ nhau, các ông thường nhắc đến những kỉ niệm vui buồn thời chiến tranh, đến những người đồng đội đã hi sinh bằng giọng bùi ngùi, xúc động. Em không thể hình dung ra được người ông giản dị, hiền hậu của em cách đây hơn ba mươi năm đã từng là tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn xung kích trong cánh quân từ miền Đông Nam Bộ tấn công vào giải phóng Sài Gòn. Ngày lễ, ngày Tết, ông em lấy bộ quân phục sĩ quan mới nhất ra mặc, huy chương cài đầy trên ngực, trông oai phong lắm! Được đi bên ông, nắm chặt tay ông, em không giấu nổi vẻ hãnh diện, tự hào trước đám bạn cùng xóm, cùng trường. Em ao ước sau này trưởng thành cũng được vào bộ đội, cầm súng bảo vệ Tổ quốc, sẽ in dấu chân trên khắp mọi miền đất nước như ông nội kính yêu.
Đang mải mê suy nghĩ, chợt em nghe tiếng ông gọi:
– Đồng chí Hoàng Khôi! Đồng chí đã học bài xong chưa?!
Em đứng bật dậy, dập chân đứng nghiêm, giơ tay chào:
– Báo cáo thủ trưởng, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ!
Ông dang rộng vòng tay ôm chầm lấy em. Hai ông cháu cùng cười vang khiến bà nội đang vo gạo ngoài sàn nòi nước phải ngoại lại nhìn rồi mắng yêu:
– Đúng là ông nào cháu nấy!
Cảm nghĩ của em về ông nội kính yêu – Bài làm 4
Ngày mai là ngày lễ thanh minh mùng 3 tháng 3, đã bốn năm nay cứ đến ngày này là gia đình tôi lại chuẩn bị một bữa cơm tươm tất, làm bánh trôi bánh chay để đón ông về đoàn tụ cùng con cháu.
Ông nội, người mà tôi vô cùng thương yêu và quý trọng. Giờ ông đi xa, tôi lúc nào cũng nhớ ông. Ngày còn sống ông đã ở cùng gia đình tôi. Bố tôi là con trai út được ông thương nhất. Các bác của tôi đều định cư ở nước ngoài vẫn muốn đón ông sang nhưng ông không đi. Ông nói ở bên đó lạ đất lạ người ông không muốn đi. Nhưng thực ra tôi biết ông không nỡ rời xa hai đứa cháu nhỏ thường xuyên ốm đau liên miên. Vả lại nơi đây còn có mảnh vườn tình yêu của ông bà. Ông vẫn thường hay kể cho tôi nghe về nụ cười hiền hậu của bà. Mỗi lần nhắc đến bà, ánh mắt ông sâu thẳm, tôi nhận thấy được nỗi buồn mênh mông trong đôi mắt ấy. Bà mất đúng và ngày mẹ tôi sinh tôi. Có lẽ vì thế nên ông càng thường yêu tôi. Hôm đó, mẹ tôi đau bụng giữ dội, chưa đến ngày dự sinh tôi, nhưng thấy cơn đau bất thường của mẹ, bà đã quyết đưa mẹ con tôi lên viện. Ông đi họp các cụ không có ở nhà, bố đi công tác chưa kịp về, một mình bà lóc cóc bận rộn với cô con dâu bụng to ì ạch. Nhưng cái ngày định mệnh ấy đã cướp đi người mà ông tôi thương yêu nhất. Mẹ vừa ngồi lên xe, bà còn đang sách làn đồ sinh của tôi chưa kịp đến gần cửa xe, thì một chiếc xe máy đã lao đến và cướp bà tôi đi mãi mãi. Mẹ và bà cùng đến viện nhưng tôi được sinh ra còn bà thì ra đi. Ông đã thay bà chăm sóc và an ủi mẹ tôi rất nhiều. Mẹ lúc nào cũng bị ám ảnh, vì mẹ mà bà mất nên ông luôn động viên mẹ. Ông nói đó là quy luật, khi là vàng rụng thì lá xanh mới mọc được. Bà ra đi để gia đình ta đón nhận thêm một thành viên mới nên không nên quá buồn. Nội của tôi là như thế đó, lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh và bao dung.
Càng gần đến ngày giỗ của ông, tôi lại càng nhớ ông da diết. Tôi nhớ lắm bàn tay sần sùi, thô ráp luôn gãi lưng cho tôi bất cứ khi nào tôi xà vào lòng ông. Tôi cũng nhớ lắm giọng nói của ông, ồm ồm, trầm lắng. Mẹ đi công tác xa,ông thay mẹ kể cho tôi những câu chuyện cổ tích rồi đưa tôi vào giấc ngủ nhẹ nhàng. Những câu chuyện của ông luôn có các anh hùng sẵn sàng ra tay cứu giúp người nghèo khổ, khó khăn. Nghe chuyện của ông riết, tôi thấy ông cũng chính là một anh hùng. Gia đình Mai – cô bạn nhỏ của tôi nghèo lắm. Lần đó đi họp phụ huynh cho tôi, chính ông đã gặp mẹ Mai và đề nghị cô để Mai đi học tiếp. Khi ông biết tin mẹ Mai không có khả năng đóng học phí cho Mai, bởi bố Mai bị bại não đã nhiều năm, một mình mẹ Mai phải gò lưng nuôi 5 miệng ăn trong gia đình. Ông đã đề nghị với cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi để ông thay mẹ Mai đóng học phí cho cô bạn bé nhỏ ấy. Khi tôi hỏi ông có phải anh hùng không? Ông luôn cười hiền và lắc đầu, ông nói ông chỉ là ông của một đứa cháu anh hùng thôi. Sau khoảng thời gian đó, Mai là đứa cháu nội thứ ba của ông. Chúng tôi đã cứ thế lớn lên trong vòng tay chăm sóc của ông. Ông hiền từ với cả những con kiến bé nhỏ nhất. Ông dạy tôi cách nâng niu những bọng ong mật trong vườn, chăm sóc cho cây bưởi bà trồng. Ngày ông ra đi mãi mãi, ông như đã có linh tính, ông kêu tôi cùng ra vườn, ông chỉ cho tôi chỗ gốc cây đào mốc chính là ngôi mộ của cậu cún, con chó vàng đã theo bà từ ngã ba về. Ông cũng nói: sẽ có chiếc lá vàng nữa rụng và cũng sẽ có những trồi xanh được đâm lên. Lúc đó quá ngây thơ, tôi nghĩ những gì ông nói chính là quy luật của cuộc sống. Nhưng giờ xa ông tôi mới thấu hiểu….Ông ra đi nhẹ nhàng và thanh thảnh, nụ cười hiền lành vẫn nở trên môi…Tôi trong giây phút ấy không nghĩ rằng ông đã rời xa tôi, tôi chỉ nghĩ rằng ông đã lên thiên đường để gặp bà cho thỏa nỗi nhớ nhung…
… Ngày mai, tôi và đứa cháu nội thứ ba của ông sẽ cùng nhau nặn những chiếc bánh mà ông thích nhất, làm những món ăn yêu thích của ông, để hy vọng một lần nữa tôi lại được gặp ông…trong những giấc mơ của mình.
Thu Thủy (Tổng hợp)