Xem nhanh nội dung
- 1 Bác Hồ đã nói: "Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước ngày càng thêm xuân". Em hiểu gì về lời khuyên của Bác qua 2 câu thơ trên? – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Điện Biên
- 2 Bác Hồ đã nói: "Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước ngày càng thêm xuân". Em hiểu gì về lời khuyên của Bác qua 2 câu thơ trên? – Bài làm 2
- 3 Mùa xuân là Tết trồng cây Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Bác Hồ muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua 2 dòng thơ này? – Bài làm 3
- 4 Mùa xuân là Tết trồng cây – Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Bác Hồ muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua hai dòng thơ này? Vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước? – Bài làm 4
Bác Hồ đã nói: "Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước ngày càng thêm xuân". Em hiểu gì về lời khuyên của Bác qua 2 câu thơ trên? – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Điện Biên
Cứ mỗi độ xuân về, muôn hoa đua nở, mọi người lại nô nức chuẩn bị cho Tết trồng cây. Từ trường học, công sở cho đến các đường phố, đâu đâu cũng có kế hoạch trồng cây xanh. Trong những ngày này, chúng ta lại tưởng nhớ đến lời khuyên răn dạy bảo của Bác Hồ:
Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Mùa xuân là mùa muôn hoa đua nở, cây cối xanh tươi. Bởi vậy mùa xuân là mùa thích hợp cho cây trồng phát triển. Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề môi trường trong tương lai, vì vậy Bác đã nhắc nhở mọi người phải trồng cây để cải tạo môi trường. Cây trồng giúp con người có bầu không khí trong lành để sông khỏe mạnh; cây xanh làm đẹp con người, làm đẹp đất nước. Bác khuyên mọi người phải trồng cây vào mùa xuân không chỉ để cho cây tươi xanh và nhanh chóng phát triển mà còn là vì mùa xuân là mùa bắt đầu một năm mới, sau một năm làm việc mệt nhọc, con người ta cũng nên trồng một cây xanh để tô điểm cho cuộc sống, kéo thiên nhiên đến gần với ta hơn, làm dịu đi những căng thẳng của những ngày làm việc miệt mài.
Bác nói: “Mùa xuân là Tết trồng cây”, theo em nghĩ không chỉ là trồng cây trong mấy ngày Tết, mà cả mùa xuân là Tết của việc trồng cây. Chữ “Tết” cũng gợi lên một không khí sôi động, vui vẻ khi làm công việc này, (người ta thường nói “vui như Tết” mà! ). Bác Hồ đã biến một công việc vốn đã có ý nghĩa, lại càng có ý nghĩa khi gắn cho nó không khí của một Hội xuân – Hội trồng cây. Và từ những năm sáu mươi của thế kỉ này, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục mới của ngày xuân dân tộc.
Và Bác Hồ nói rõ mục đích của Tết trồng cây là “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ “xuân” ở câu sau không giốngnhư ở câu đầu, nó không chỉ mang ý nghĩa là một mùa trong năm, mà nó còn có ý nghĩa là sự tươi trẻ, là sức sống của đất nước. Nhắc đến mùa xuân, người ta thường nghĩ tới một màu xanh. Chữ “xuân” trong câu sau tuy không mang nghĩa là mùa xuân, nhưng cái xanh, cái đẹp của mùa xuân đều chứa đựng trong đó. Trồng cây, làm cho cây xanh tươi và nơi nào cũng có cây xanh tươi, thì đất nước sẽ xanh tươi, khấp nơi sẽ tràn đầy sự sống chứ không tàn lụi vì thiếu màu xanh.
Chúng ta đã biết thế nào là đất nước xuân. Vậy thì tại sao trồng cây lại làm cho đất nước xuân? Trước hết là vì cây sẽ làm cho môi trường trong sạch. Ngày ngày chúng ta thở ra khí các-bon-nic, hít khí ô-xi còn cây xanh thì lại hút khí các-bon-nic, nhả khí ô-xi, nhờ vậy mà con người cùng các loại động vật mới có thể tồn tại và phát triển. Cây còn như những cái máy hút bụi khổng lồ, làm việc âm ỉ, thầm lặng. Hàng ngày các nhà máy, các phương tiện giao thông thải ra biết bao là bụi bặm. Cây giúp ta thanh lọc phần nào những phế thải đó, lấy lại sự trong lành cho không khí quanh ta. Vào mùa mưa lũ, bão giông, nếu không có những cây chấn gió, chắn nước lũ, thì biết bao nhiêu nhà cửa ruộng vườn sẽ bị cuốn trôi, đánh sập. Những hàng cây như những bức tường vững chắc chắn gió bão, lụt lội, những thảm họa khôn lường cho loài người.
Chính vì thế, nếu không có cây xanh quanh ta thì chúng ta khó có thể tồn tại một cách yên ổn và khỏe mạnh được. Chúng ta sẽ thiếu ô-xi để thở, không khí bị ô nhiễm sẽ bao trùm chúng ta, sóng bão sẽ nhấn chìm và hủy diệt sự sống. Vì vậy, ngày nay vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng trở nên rất cấp thiết đối với toàn nhân loại. Ba bôn chục năm trước Bác Hồ đã chăm lo đến điều này bằng việc hô hào toàn dân thực hiện Tết trồng cây, Bác quả là người có tầm nhìn rất xa, rất sáng suốt.
Muôn thực hiện được lời Bác Hồ dạy, chúng ta phải biết nỗ lực thực hiện tốt những luật lệ bảo vệ môi trường. Pháp luật phải đưa ra những bộ luật về bảo vệ môi trường và những hình phạt nghiêm khắc với những kẻ cố tình hủy hoại môi trường nhằm kiếm lời cho bản thân: Từ học sinh đến những người lớn tuổi phải biết kết hợp chăm sóc và bảo vệ cây xanh; quy định những nơi trồng cây, tạo thêm nhiều rừng mới ởvùng trung du, vùng núi; tạo thêm nhiều công viên cây xanh ởvùng đô thị. Học sinh thì phải tự tạo ra vườn hoa, chậu cảnh ởnhà và ởtrường. Đồng thời, tự giác và nhắc nhở các bạn tôn trọng và tuân theo những quy định về bảo vệ cây xanh. Mỗi người đều phải đóng góp nào việc phủ xanh đất nước, tùy theo sức của mình. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể có được cuộc sống “xanh – sạch – đẹp”.
Bác ơi! Lời dạy của Bác đã đi sâu vào tâm trí của chúng cháu. Cùng với tất cả nhân dân Việt Nam, chúng cháu đã cố gắng thường xuyên tổ chức Tết trồng cây vào mùa xuân và chăm sóc cây suốt các ngày trong năm. Việc bảo vệ môi trường được đưa lên các phương tiện truyền thông như báo, đài. Điều đó đã giúp mọi người hiểu được ý nghĩa to lớn của việc trồng cây.
Mùa xuân này cũng như bao mùa xuân trước, khắp nơi trên đất nước ta đã nhớ lời dạy của Bác rầm rộ tổ chức Tết trồng cây. Trên các cao nguyên, núi cao, nhà nước khuyến khích giao đất, giao rừng cho dân, nên ai cũng nỗ lực chăm sóc, bảo vệ cây và trồng thêm cây mới. Ngoại vi các thành phố thì phát triển vườn cây ăn quả. Khắp các đường phố Thủ đô Hà Nội, các hàng cây xanhluôn được chăm sóc không những bởi bàn tay các cô chú công nhân, mà còn bởi bàn tay các người dân nữa. Vì những cây nào ở trước nhà ai thì nhà đó đều thực hiện đúng cam kết với phố phường, không để con em mình vin cây bẻ lá.
Chính phù ta cũng rất lưu ý đến việc bảo vệ rừng. Chính phủ có nhiều biện pháp để ngăn chặn việc chặt phá cây bừa bãi trong rừng, cố gắng gìn giữ, chăm sóc những rừng nguyên sinh còn tồn tại.
Các trường đều tổ chức rất nhiều hình thức tham gia Tết trồng cây cho học sinh. Nào là đi cổ động cho thành phố luôn xanh – sạch – đẹp, nào là phong trào “Em chăm hàng cây đường phố trường em”. Bây giờ không còn hiện tượng trèo cây, đu cây, bẻ cành, ngất hoa nữa. Mọi học sinh đều có ý thức giữ gìn, vì thế vườn trường luôn xanh tươi, rực rỡ với nhiều loại hoa đẹp, cây xanh sân trường tỏa bóng mát.
Tuy nhiên vẫn còn một số người đi ngược lại với lợi ích chung. Ho chỉ biết cái lợi trước mắt mà không cần biết đến cái hại lâu dài. Tóm lại, câu nói của Bác đã thức tỉnh chúng ta, cho chúng ta thấy được ý nghĩa quan trọng của việc trồng cây, và càng ngày ý nghĩa của nó lại càng tăng cao hơn. Môi trường càng bị hủy hoại, rừng cây bị phá, bị đốt thì vấn đề thực hiện lời Bác Hồ nói hơn ba mươi năm trước đây lại nàng cấp thiết. Là học sinh, chúng ta cũng cần có trách nhiệm về việc này.
Bác Hồ đã nói: "Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước ngày càng thêm xuân". Em hiểu gì về lời khuyên của Bác qua 2 câu thơ trên? – Bài làm 2
Mùa xuân là mùa của sự sống, mùa của cây cối đâm trồi nảy lộc, mùa của trăm hoa khoe sắc rực rỡ nhất. Vì vậy, vào mùa xuân người ta thường trồng cây, bởi đây là mùa thích hợp để cho cây cối sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ nhất, nên Bác Hồ vĩ đại của chúng ta còn gọi mùa xuân là Tết trồng cây. Bác còn có một câu nói đầy ý nghĩa mùa trồng cây này: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Câu nói của Bác không chỉ thể hiện được sự quan tâm của Người đến mùa xuân của đất nước mà còn thể hiện được tầm hiểu biết về vạn vật, vũ trụ , một tầm nhìn sâu rộng về vai trò của cây cối đối với sự sống của con người nói chung, về con người Việt Nam nói riêng.
Mùa xuân là mùa của những cơn mưa phùn nhẹ, tiết trời trong lành mà ẩm ướt. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để các loài cây cối, thực vật được hồi sinh sức sống, phát triển mạnh mẽ sau một mùa đông dài giá rét, cằn cỗi. Đây cũng là một quy luật của tự nhiên, đất trời. Bước vào mùa thu, cây cối bắt đầu trút từng chiếc lá khỏi cành, chỉ trơ lại những cành cây khô khẳng khiu chống chọi với một mùa đông đầy giá rét. Tuy nhiên, khi tiết trời lập xuân thì những cây này lại bắt đầu đâm chồi nảy lộc, phát triển những cành lá xanh mướt, mọi loài thực vật đều căng tràn sức sống. Cũng có lẽ vì mùa xuân mang đặc điểm ấy mà Bác Hồ của chúng ta gọi mùa xuân với cái tên đầy thân mật là Tết trồng cây.
Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là người cha già của dân tộc Việt Nam. Với địa vị của một vị lãnh tụ, Bác đã phải lo trăm công ngàn việc, giải quyết biết bao chuyện bộn bề của chính sự, của Cách mạng. Nhưng Bác luôn dành những khoảng thời gian quý báu của mình để vận động người dân trồng cây mùa xuân. Và câu nói “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” cũng được ra đời trong những lần vận động ấy. Bác Hồ phát động toàn dân trồng cây vào mùa xuân hoàn toàn không phải xuất phát từ mục đích cá nhân của Bác. Bác là người biết nhìn xa trông rộng, việc trồng cây hoàn toàn là vì một tương lai tốt đẹp của toàn dân. Nghĩa là Bác căn cứ vào cơ sở khoa học để thực hiện những cuộc vận động đầy ý nghĩa này. Như chúng ta đã biết, cây cối thực vật có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống của con người. Cây xanh cung cấp cho con người nguồn ô xi, lọc xạch không khí, điều tiết khí hậu, điều tiết dòng chảy của sông ngòi, chống xói mòn mỗi khi có bão lũ xảy ra…
Xuất phát từ vai trờ thiết yêu của cây xanh đối với cuộc sống của con người. Bác Hồ của chúng ta đã phát động phong trào trồng cây. Đặc biệt, lời phát động của Bác là vào mùa xuân, là mùa của sinh trưởng, mùa của các loài cây phát triển tươi tốt nhất. Như vậy, Bác Hồ không chỉ quan tâm đến cuộc sống của người dân mà còn am hiểu sâu sắc về đặc tính sinh học, quy luật tự nhiên của các mùa trong năm, để từ đó phát động toàn dân trồng cây. Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để trồng cây, không chỉ bởi thời tiết ủng họ, mà mùa xuân cũng là mùa mà con người thảnh thơi, thư thái nhất. Sau cả năm bận rộn với những công việc làm ăn, nhà cửa thì mùa xuân là lúc con người tạm gác lại công việc, rọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón tết.
Vì vậy, mùa xuân cũng là lúc con người có thể tham gia tích cực nhất vào phong trào trồng cây. Mùa xuân có thể coi là lúc “Thiên thời_ Địa lợi_ Nhân hòa” thời điểm tập hợp được mọi yếu tố thích hợp để trồng cây. Mùa xuân không chỉ là mùa của tết xum vầy mà còn là mùa của Tết trồng cây. Theo Bác Hồ, trồng cây cũng là “trồng” thễm xuân cho đất trời, cho con người “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Câu nói của Bác quả thực rất ý nghĩa bởi mục đích của hành động trồng cây thật đẹp. Cây cối không chỉ làm cho mùa xuân thêm tươi đẹp, thếm nhựa sống mà còn làm cho cuộc sống của con người trở nên trong lành, tốt đẹp hơn. Vì vậy, câu nói “làm cho đất nước càng ngày càng xuân” của Bác ở đây không chỉ hướng đến cái tươi đẹp của mùa xuân thiên nhiên, mà “mùa xuân” ở đây là dùng để chỉ sự tươi đẹp, phát triển của đất nước. Nếu mùa xuân thường được các thi sĩ dùng để chỉ tuổi xuân của con người, thì ở đây Bác Hồ dùng nó để chỉ tuổi xuân của đất nước, về sự trường tồn của đất nước.
Như vậy, câu nói “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” của chủ tịch Hồ Chí Minh mang nhiều ý nghĩa lớn lao, không cỉ cho con người mà còn cho sự trường thịnh của đất nước, non sông. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, nền kinh tế tuy phát triển nhanh, nhưng song song với nó là bao nhiêu mặt trái cần khắc phục, một trong số đó là sự ô nhiễm nặng nề của môi trường sống, đe dọa đến sự sống và sự tồn tại của con người. Vì vậy, câu nói của Bác Hồ càng có ý nghĩa đặc biệt trong thời đại ngày nay. Trồng cây góp phần làm cho không khí trong lành, hạn chế được những mặt trái của sự phát triển kinh tế.
Mùa xuân là Tết trồng cây Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Bác Hồ muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua 2 dòng thơ này? – Bài làm 3
Theo quy luật thiên nhiên, một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân mở đầu cho năm mới với bao điều tốt lành. Thời tiết ấm áp khiến cây cối đâm chồi nảy lộc xanh tươi, muôn hoa khoe sắc, tỏa hương. Đâu đâu cũng ríu rít tiếng chim, tạo nên một khung cảnh đẹp đẽ tràn đầy sức sống. Vì thế, mùa xuân được coi là mùa sinh sôi phát triển nhất trong năm.
Sinh thời, Bác Hồ phát động nhân dân hăng hái tham gia phong trào Tết trồng cây. Năm 1960, Bác viết hai câu thơ:
Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Bác khuyên khi mùa xuân tới, mỗi người nên trồng một cây xanh để góp phần làm cho quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp. Từ đó, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục mới của dân tộc ta trong những ngày xuân.
Bác nói: Mùa xuân là Tết trồng cây không có nghĩa là mọi người chỉ trồng cây trong mấy ngày Tết mà trông cây suốt cả mùa xuân. Bác gọi phong trào trồng cây là Tết trồng cây với hàm ý so sánh không khí náo nức tưng bừng của nó chẳng khác chi ngày Tết… (Vui như Tết). Bác đem lại cho phong trào không khí vui tươi của lễ hội mùa xuân.
Ở câu thơ thứ hai, Bác Hồ nêu rõ mục đích của Tết trồng cây là Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Từ xuân ở câu thơ này không giống như từ xuân ở câu thơ đầu. Nó không còn là tên của một mùa trong năm (danh từ) mà đã chuyển thành tính từ chỉ sự tươi trẻ và sức sống tràn đầy của đất nước đang trên đường phát triển.
Nhắc đến mùa xuân, người ta thường nghĩ tới màu xanh mơn mởn của cỏ cây, hoa lá. Màu xanh ấy mang đến vẻ đẹp tươi mát, trù phú cho đường phố, làng quê. Nếu nơi nào cũng có cây xanh thì đất nước sẽ được bao phủ trong một màu xanh bất tận.
Xét về tác dụng của cây xanh đối với môi trường thì có thể ví cây xanh là lá phổi thiên nhiên kì diệu làm nhiệm vụ hút lọc khí thải, cung cấp khí oxi để duy trì sự sống cho muôn loài, làm trong sạch môi trường quanh ta.
Khí hậu Việt Nam cũng có lúc thất thường. Vào mùa mưa lũ nếu không có những cánh rừng như những bức tường thành vững chắc ngăn gió bão, lụt lội thì biết bao nhà cửa, ruộng vườn sẽ bị cuốn trôi, bao thành quả lao động bị phá hủy… Lũ lụt sẽ gây ra những thảm họa ghê gơm khôn lường.
Không có cây xanh, chúng ta khó có thể tồn tại một cách bình yên. Đất nước xanh tươi, con người khỏe mạnh… là cơ sở vững chắc để chúng ta học tập, lao động và sáng tạo. Trong thời đại ngày nay, bảo vệ môi trường sống là vấn đề cấp thiết được nhân loại đặt lên hàng đầu. Hơn bốn chục năm trước, Bác Hồ đã quan tâm đến điều này bằng việc hô hào toàn dân tham gia Tết trồng cây . Bác quả là vị lãnh tụ cách mạng sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng.
Mùa xuân này cũng như bao mùa xuân trước, ở khắp mọi miền đất nước, nhân dân ta nô nức tham gia phong trào Tết trồng cây. Mấy năm trở lại đây, nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho dân đã động viên mọi người nỗ lực chăm sóc, bảo vệ rừng và trông thêm cây mới, phủ xanh đất trống đồi trọc. Ở các vùng ven thành phố, phong trào lập trang trại trồng hoa, trồng rau, trồng cây ăn quả ngày càng phát triển. Cây xanh ở thủ đô Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minhvà các tỉnh thành khác luôn được chăm sóc chu đáo bởi bàn tay của các cô chú công nhân và ý thức bảo vệ của người dân.
Việc gìn giữ khu vườn nguyên sinh, rừng đầu nguồn và đưa ra các biện pháp để ngăn chặn việc chặt phá cây rừng bừa bãi đã trở thành mối quan tâm rất lớn của Đảng và Chính phủ.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, nhân dân ta đã trồng được thêm nhiều rừng cây mới ở miền núi, trung du; tạo ra nhiều công viên xanh trong lòng đô thị. Nếu mỗi người tự giác đóng góp một phần nhỏ công sức của mình vào việc phủ xanh đất nước thì chúng ta sẽ được sống trong môi trường xanh-sạch-đẹp. Năm nào trường em cũng tổ chức Tết trồng cây xanh nên cây xanh tỏa bóng mát khắp sân trường. Dưới bóng cây râm mát, chúng em thỏa thích vui chơi. Những mệt mỏi và căng thẳng trong giờ học hầu như tan biến hết, tâm hồn trẻ thơ lại lâng lâng, thanh thản.
Hiện nay, điều đáng buồn là vẫn còn có một số người đi ngược lại lợi ích chung. Họ chỉ biết cái lợi của cá nhân mà không cần biết đến cái thiệt hại của cộng đồng cho nên môi trường bị hủy hoại nghiên trọng vì khí thải công nghiệp, vì rừng phòng hộ bị chặt phá và đốt cháy quá nhiều. Vì thế lời Bác Hồ dạy hơn bốn mươi năm trước giờ đây lại càng tỏ rõ ý nghĩa thiết thực và quý báu.
Mùa xuân là Tết trồng cây – Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Bác Hồ muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua hai dòng thơ này? Vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước? – Bài làm 4
Một vấn đề được Bác Hồ quan tâm đặc biệt là sự nghiệp trồng cây, trồng người: “ Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người ” . Riêng về việc trồng cây, vào khoảng giữa năm 1959, Bác viết bài thơ kêu gọi nông dân trồng cây.
“Muốn làm nhà cửa tốt
Phải ra sức trồng cây
Chúng ta chuẩn bị từ nay
Dăm năm sau sẽ bắt tay dựng nhà”
Sau đó, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng và đón Tết âm lịch, Bác Hồ chính thức phát động phong trào Tết trồng cây trong cả nước. Phong trào diễn ra trong vòng 1 tháng từ 6/1 đến 6/2/1960.
“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”
Kể từ khi phát động phong trào cho đến khi Bác qua đời, mỗi năm cứ khi tết đến, xuân về Bác đều tự mình trồng cây trong Phủ chủ tịch để làm gương. Trực tiếp kêu gọi , theo dõi, nhắc nhở, động viên, vận động phong trào. Và không biết tự khi nào, Tết trồng cây đã trở thành một nếp sống đẹp, một truyền thống gắn bó không thể thiếu trong mỗi người dân khi xuân về. Xã hội hiện đại là xã hội điện tử, tin học và công nghệ. Nhưng phía sau nó, xã hội hiện đại lại thải ra một lượng chất thải khổng lồ dẫn đến ô nhiễm môi trường, nguồn nước, thức ăn, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe con người, việc trồng cây là một việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Mỗi nhà, mỗi khu phố, mỗi ban ngành đều phải có trách nhiệm trồng cây xanh ở khu vực mình hay ở, những nơi công cộng để bảo vệ môi trường. Đúng như những điều Bác đã dạy trong lời phát động Tết trồng cây khi xưa: “Miền Bắc có độ 14 triệu người, trong số đó độ 3 triệu trẻ em thơ ấu, 1 triệu người từ 8 tuổi trở lên đều có thể trồng cây. Như vậy, mỗi tết trồng được độ 15 triệu cây” thế chẳng mấy chốc đất nước ta sẽ phủ xanh đất trống đồi trọc, không những làm cho quang cảnh môi trường ngày càng cải thiện tốt hơn mà còn phát huy tác dụng tích cực của cây trong việc cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, nếu hiểu lễ phát động Tết trồng cây của Bác ở khía cạnh văn hóa thě lại thấy một ý nghĩa sâu sắc khác nữa trong lời dạy của Người. Chúng ta đều biết rằng, đất nước chúng ta là đất nước nông nghiệp, thiên nhiên gắn chặt với đời sống lao động, đời sống chiến đấu của người dân. Chính vě vậy, cây cỏ thiên nhiên trở thành biểu tượng cao đẹp cho tinh thần quật khởi của người Việt Nam. Cây tre là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của người miền Bắc, cây dừa là hình ảnh của đồng bào miền Nam giữ vững thành đồng Tổ quốc, cây cao su là sự dẻo dai bền bỉ của buôn làng Tây Nguyên chống Pháp,… chỉ cần nhắc đến những loại cây ấy thôi cũng dễ khiến cho ta hình dung ra cuộc kháng chiến nhân dân vĩ đại của dân tộc. Ngoài ra, mỗi loại cây còn tượng trưng cho một vùng quê, một tỉnh khác nhau: cây nhãn Hưng Yên, cây vải Lục Ngạn, cây bưởi Đoan Hùng, cây cọ Vĩnh Phú, cây chôm chôm Cần Thơ,… Còn phải kể đến, cây cỏ gắn với cuộc sống của từng người. Dường như trong ký ức của mỗi con người, trong những kỷ niệm của thời gian luôn gắn chặt với nhiều loài cây cỏ thiên nhiên. Ví dụ cây me, cây sấu gợi nhắc về tuổi ấu thơ trong trắng, mộng mơ, nghịch ngợm; cây phượng hồng, cây bằng lăng kỷ niệm của tuổi học trò; cành đào Tây Bắc, cành mai vàng xứ Huế gắn chặt với tết, cây đa, cây gạo là hình ảnh của làng quê đồng bằng Bắc bộ Việt Nam,… Mỗi khi chúng ta trồng một cây xanh và chăm sóc nó sinh trưởng phát triển là ta đang tự làm phong phú cho đất nước, giữ một mầm xanh trong tâm hồn chúng ta và reo mầm xanh trong tâm hồn thế hệ tương lai.
Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương ta. Nhớ lại lời dạy của Người năm xưa, chúng ta càng thấy thấm thía. Những lời phát động đó cách đây hàng thế kỷ, trải qua bao thăng trầm, biến đổi của thời gian, nó không những còn nguyên giá trị, mà càng ngày chúng ta càng hiểu được nhiều ý nghĩa sâu xa của nó.
Thu Thủy (Tổng hợp)