Phân tích bài Chó sói và Cừu trong thơ ngụ ngôn La Phông-ten – Văn mẫu hay lớp 9

Phân tích bài Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn La Phông-ten của tác giả H. Ten – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Kiêng Giang

Hi-pô-lít Ten (1828 – 1893) là triết gia, sử gia và nhà nghiên cứu văn học, viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, tác giả công trình nghiên cứu văn học nổi tiếng: La Phông-ten và thơ ngụ ngôn của Ông, xuất bản lần đầu năm 1853 sau đó được tái bản rất nhiều lần. Công trình gồm 3 phần, mỗi phần lại chia thành nhiều chương. Bài Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten trích từ chương II, phần thứ hai của cuốn sách.

Loading...

Qua đoạn văn này, tác giả đã chỉ ra sự khác nhau giữa Buy-phông (1707- 1788), nhà vạn vật học và La Phông-ten (1621-1695), nhà thơ ngụ ngôn khi nói về con chó sói và con cừu.

Bằng cách so sánh hình tượng con cừu và con chó sói trong thơ ngụ ngôn La Phông-ten với những dòng nhận xét về hai con vật ấy của nhà khoa học Buy-phông, H. Ten đã nêu bật đặc trưng của sáng tác nghệ thuật là phải in đậm dấu ấn về cách nhìn, cách nghĩ riêng của nhà văn.

Bài văn nghị luận này gồm 2 đoạn:

Đoạn 1: Từ đầu đến… tốt bụng như thế: Hình tượng con cừu trong thơ La Phông-ten.

Đoạn 2: Phần còn lại: Hình tượng chó sói trong thơ La Phông-ten.

Với mục đích làm nổi bật hình tượng con cừu và con chó sói dưới ngòi bút nghệ thuật tài tình của nhà thơ ngụ ngôn, H. Ten đã dẫn ra những dòng viết về hai con vật ấy của nhà khoa học Buy-phông để so sánh và đối chiếu.

Lập luận trong đoạn văn được trình bày theo thứ tự 2 bước: Chó sói và cừu dưới ngòi bút của La Phông-ten và dưới ngòi bút của Buy-phông. Ở bước thứ nhất, bằng cách lấy ngay đoạn trích từ bài thơ ngụ ngôn Chó sói và cừu , tác giả đã khéo léo nhờ La Phông-ten tham gia vào lập luận của mình, vì vậy mà giọng văn trở nên sinh động hơn, cuốn hút hơn.

Trước hết, chúng ta hãy xem xét hình ảnh con cừu và con chó sói dưới ngòi bút của nhà khoa học Buy-phông.

Buy-phông viết về loài cừu và loài chó sói bằng ngòi bút chính xác của một nhà sinh vật học. Ông đã nêu lên những đặc tính cơ bản của từng loài, mô tả và chỉ ra những đặc tính ấy như cừu thì nhút nhát, hiền lành: Chỉ một tiếng động nhỏ bất thường đủ làm cho chúng nháo nhào co cụm lại với nhau, và đã sợ sệt như thế lại còn hết sức đần độn, vì chúng không biết trốn tránh nỗi nguy hiểm. Thậm chí dường như chúng không cảm thấy tình huống bạt tiện của chúng; chúng ở đâu là cứ đứng nguyền tại đấy, ngay dưới trời mưa, ngay trong tuyết rơi. Chúng cứ đứng lì ra, muốn bắt chúng di chuyển nơi khác và bước đi, cần phải có một con đầu đàn người ta bảo nó đi trước và thể là tất cả bắt chước nhất nhất làm theo. Ngay con đầu đàn ấy cũng cứ ỳ ra cùng với cả đàn nếu không bị gã chăn cừu thôi thúc hoặc bị chó xua đi.

Buy-phông cũng nhấn mạnh đến bản năng của chó sói, một loài thú dữ sống trong môi trường hoang dã: Chó sói thù ghét mọi sự kết bè kết bạn, thậm chí ngay cả với đồng loại chó sói của nó. Khi ta thấy nhiều con chó sói tụ hội với nhau, thì đấy không phải là một bầy chỏ sói hiền hòa mà là một bầy chó sói chinh chiến, ồn ào ầm ĩ với những tiếng la hú khủng khiếp và nhằm để tấn công một con vật to lớn, như con hươu con bò, hoặc để chống trả một con chó gộc nào đấy. Khi cuộc chinh chiến đã xong xuôi, chúng lại mỗi con một nơi và quay về với sự lặng lẽ cô đơn của chúng. Tóm lại, bộ mặt lấm lét, dáng vẻ hoang dã, tiếng hú rùng rợn, mùi hôi gớm ghiếc, bản tính hư hỏng, cái gì cũng làm ta khó chịu, nó thật đáng ghét, lúc sống thì có hại chết rồi thì vô dụng…

Nhà khoa học Buy-phông không nhắc đến “tình cảm mẫu tử thân thương” của loài cừu vì không phải chỉ ở loài cừu mới có. Ông cũng không nhắc đến “nỗi bất hạnh” của chó sói, vì đấy không phải là nét cơ bản của nó ở mọi nơi, mọi lúc.

H.Ten nhận xét thêm: Mọi chuyện ấy đều đúng, nhưng các con vật đó còn thân thương và tốt bụng nữa. Thật cảm động thấy con cừu mẹ chạy tới khi nghe tiếng kêu rên của con nó, nhận ra con trong cả đám đông cừu kia, rồi đứng yên trên nền đất lạnh và bùn lầy, vẻ nhẫn nhục, mắt nhìn lơ đãng phía trước, cho đến khi con đã bú xong. La Phông-ten đã động lòng thương cảm với bao nỗi buồn rầu và tốt bụng như thế…

Hình tượng con cừu trong thơ ngụ ngôn La Phông-ten vừa cụ thể vừa khái quát. Trong cách tả và kể, nhà thơ có dụng ý rõ ràng. Nhà thơ chọn một chú cừu non (còn gọi là con chiên) và đặt chú cừu non ấy vào hoàn cảnh đặc biệt, đối mặt với con chó sói già bên dòng suối.

La Phông-ten khắc họa tính cách của cừu non qua thái độ và lời nói. Nhà thơ không miêu tả tùy tiện mà căn cứ vào một số đặc điểm vốn có của loài cừu là bản tính hiền lành, nhút nhát và vô hại.

Với trí tưởng tượng phong phú của một nhà thơ, La Phông-ten đã nhân cách hóa cừu non, để nó cũng suy nghĩ, nói năng và hành động như người :

–    Xin bệ hạ hãy nguôi cơn giận
Xét lại cho tường tận kẻo mà…
Nơi tôi uống nước quả là
Hơn hai chục bước cách xa dưới này.
Chẳng lẽ kẻ hèn này có thể
Khuấy nước ngài uống phía nguồn trên.
…………………………..
–    Nói xấu ngài, tôi nói xấu ai,
Khi tôi còn chửa ra đời?
Hiện tôi đang bú mẹ tôi rành rành.

Chú cừu non cũng "lí sự” đâu ra đó trước lão sói già nham hiểm và độc ác : Chú uống nước phía dưới, làm sao khuấy đục nước ở phía trên nguồn được? Chú còn đang bú tí mẹ, thì làm sao có thể nói xấu lão sói từ… năm ngoái? Điều đó cho ta thấy chú cừu non vừa thông minh lại vừa cứng cỏi trước kẻ thù.

Con chó sói cũng được tác giả nhân cách hóa để bản chất gian ác và điêu trá hiện lên rõ nét:

–    Sao mày dám cả gan vục mõm
Làm đục ngầu nước uống của ta ?
Tội mày phải trị không tha !
–    Chính mày khuấy nước, ai quên đâu là
Mày còn nối xấu ta năm ngoái…
–    Thế thì một mống nhà chiên
Quân bay có đứa nào kiềng sói đâu !

Chó sói vu khống cừu non đến mức trắng trợn và phi lí. Hễ cừu non “cãi” được điều này thì chó sói lại vu cho điều khác, khiến “tội” của cừu non càng ngày càng nặng. Qua “chân dung” của con sói già trong bài thơ, La Phông- ten muốn ám chỉ hạng người xấu xa, độc ác chuyên cậy thế, cậy quyền áp bức kẻ yếu đuối, luôn lấy câu chân lí thuộc kẻ mạnh làm phương châm sống ở đời.

Nhà thơ chọn một con chó sói đói meo, gầy giơ xương lang thang đi kiếm mồi, bắt gặp chú cừu non đang uống nước phía dưới dòng suối. Nó muốn ăn thịt cừu non nhưng để che giấu tâm địa độc ác nên cố tình kiếm cớ bắt tội để có lí do “trừng phạt” chú cừu tội nghiệp và hợp thức hóa hành động tàn bạo của mình.

Hình tượng chó sói trong thơ ngụ ngôn La Phông-ten khác hẳn với con sói trong thế giới tự nhiên của Buy phông. H. Ten vừa phần tích vừa so sánh hình ảnh hai con chó sói để làm nổi bật sự khác nhau giữa nhà khoa học và nhà thơ. Ở nhà thơ, đó là trí tưởng tượng phong phú được vận dụng tối đa khi tả con vật và gán cho nó một vài đặc điểm tính cách của một hạng người trong xã hội :

Con chó sói của La Phông-ten cũng là một bạo chúa khát máu, và khi nó nói với chú cừu non, ta nghe thấy giọng khàn khàn và tiếng gầm dữ dội của con thú điên. Nhưng một tính cách thì phức tạp. Nếu nhà bác học chỉ thấy con sói ấy là một con vật có hại, thì nhà thơ, với đầu óc phóng khoáng hơn, lại phát hiện ra những khía cạnh khác. Nhà thơ sẽ thấy con chó sói độc ác mà cũng khổ sở, tuy trộm cướp đấy nhưng thường bị mắc mưu nhiều hơn.

Nhà thơ hiểu rằng những tật xấu của chó sói là do nó vụng về, vì chẳng có tài trí gì, nên nó luôn đói meo, và vì đói nên nó hóa rồ. Ông để cho Buy- phông dựng một vờ kịch về sự độc ác, còn ông dựng một vở hài kịch về sự ngu ngốc.

Bài nghị luận văn chương của H.Ten đã dùng biện pháp so sánh hai hình tượng con cừu và con chó sói trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten với những dòng nhận xét của nhà khoa học Buy-phông viết về hai loài vật ấy nhằm làm nổi bật đặc trưng của tác phẩm nghệ thuật là sự sáng tạo.

Rõ ràng, từ thế giới tự nhiên, chó sói và cừu non đã được nhà thơ La Phông-ten đưa vào thế giới văn chương với tính cách khái quát rõ nét, tiêu biểu cho những hạng người cụ thể trong xã hội. Vì vậy mà nhân vật ngụ ngôn của La Phông-ten được cả nhân loại thích thú và yêu mến.

Hi-pô-lít Ten đã chỉ ra sự khác biệt giữa hai loại văn bản khoa học và văn bản nghệ thuật. Văn bản khoa học đi sâu nghiên cứu những đặc điểm tự nhiên, rút ra những nhận xét chính xác về đặc tính, về tính chất của sự vật. Văn bản nghệ thuật xây dựng hình tượng, miêu tả đời sống tâm hồn của sự vật bằng tưởng tượng của nhà văn, nhà thơ.

Bài thơ ngụ ngôn Chó sói và cừu là một văn bản nghệ thuật. La Phông- ten đã miêu tả chó sói là một bạo chúa độc ác, quỷ quyệt ; còn chú cừu non là một thần dân một vật tế thần khổ sở, đáng thương.

Qua bài văn nghị luận của H.Ten, ta nhận thấy khi đọc các tác phẩm văn học, cần phải nắm vững đặc trưng của văn bản nghệ thuật, đó là hình tượng nhân vật được tác giả tưởng tượng, hư cấu xây đựng nên để trở thành những bức tranh sinh động về cuộc sống vừa có ý nghĩa cụ thể vừa có ý nghĩa khái quát trong xã hội.

Phân tích bài Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten – Bài làm 2

Trước hai con vật: cừu và sói, có thể có hai cách nhìn khác nhau : cái nhìn của khoa học và cái nhìn của văn chương, dù cả hai đều đúng. Viết vể hai cách nhìn ấy, H. Ten có một thao tác tư duy cơ bản: thao tác so sánh, một phương pháp suy luận : phương pháp quy nạp. Cả hai yếu tố về tư duy và phương pháp tạo nên một phong cách phê bình mà ta thường gọi là nghị luận văn chương tuy giản dị nhưng sinh động và đầy sức thuyết phục. Từ một bài viết không dài, chúng ta dễ dàng nhận ra những đặc điểm của sáng tác văn chương và nghị luận văn chương (còn gọi là phê bình văn chương).

1. Về sáng tác văn chương.

Để hiểu được đặc điểm của sáng tác văn chương, H. Ten đã sử dụng thao tác tư duy so sánh, đối chiếu hai cách nhìn khác nhau về cùng một đối tượng. Cũng chỉ là con cừu và con sói đó thôi mà có đến hai cách miêu tả, một thiên về lí tính, một thiên về cảm tính. Cách nhìn lí tính nặng về quan sát khách quan, từ đó rút ra những đặc điểm riêng chỉ loài sói và cừu mới có. Còn cách nhìn cảm tính có phần chủ quan, từ những rung động thầm kín bên trong mà nhìn ra con vật với những buồn vui thân phận của con người. Có thể nói khác đi và gọn hơn : cách nhìn của khoa học là cái nhìn phân loại (con vật này khác con vật kia), còn cách nhìn của văn chương là cách nhìn nhân văn (có sự cảm thông giữa con người với con vật). Hai cách nhìn ấy không hoàn toàn giống nhau.

a) Với con cừu, Buy-phông, nhà sinh học nổi tiếng đã phát hiện ra những đặc trưng có tính chất phân loại : ưa lối sống bầy đàn, trí tuệ chậm chạp đến đần độn, không có khả năng thích ứng với xung quanh (môi trường sống), phản ứng bản năng theo lối bắt chước. Ý thức tự vệ dường như mọi loại động vật đều có, nhưng với loài cừu thì không… Từ những đặc điểm được miêu tả như trên, người ta dễ dàng gọi tên được giống loài của nó, một giống loài chỉ quen được chăn dắt, hoàn toàn phụ thuộc và bị động ở sự chăn dắt đó mà thôi. Khác với cái nhìn của nhà khoa học, La Phông-ten, một nhà thơ có một cái nhìn khác: cừu là một loài vật buồn rầu và tốt bụng. Hơn thế nữa, nổi bật hơn, giống với con người, cừu có tình mẫu tử. Chỉ có điều, tình mẫu tử ở đây vừa giống con người, vừa khác con người. Giống con người ở sự phân biệt con nó với đám đông, còn khác con người là ở chỗ nó không quan tâm đến hoàn cảnh xung quanh với thái độ thờ ơ, cam chịu. Chỉ với một câu văn miêu tả mà người đọc có thể xúc động thấm thìa đến nao lòng: "Thật cảm động thấy con cừu mẹ chạy tới khi nghe tiếng kêu rên của con nó, nhận ra con trong cả đám đông cừu kia, rồi đứng yên trên nền đất lạnh và bùn lầy, vẻ nhẫn nhục, mắt nhìn lơ đãng phía trước, cho đến khi con đã bú xong". Đó là câu văn đụng đến lòng trắc ẩn ở con người.

b) Với con sói, hai cách nhìn cũng rất khác nhau. Vẫn là cách nhìn của một nhà khoa học, Buy-phông có công là đã phát hiện ra những đặc điểm giống loài của nó: có khả năng tự vệ nhưng thích sống cô đơn (về bản chất, nó rất khác con người), từ hình dáng bên ngoài đến tính cách bên trong có một cái gì thật là dáng ghét: lấm lét, hoang dã, tiếng hú, mùi hôi… Còn với tư cách một nhà thơ, La Phông-ten cảm nhận được một cái gì thật đáng thương ở nó. Những cái đáng thương này kết hợp với những cái đáng ghét tạo nên một nghịch lí oái oăm đầy mâu thuẫn ớ một loài vật là "bạo chúa của cừu". Đành rằng sói là một loài trộm cướp, nhưng là những tên trộm cướp "khốn khổ và bất hạnh", một gã vô lại luôn luôn đói dài và luôn luôn bị ăn đòn… Cái nhìn của nhà thơ là một cái nhìn thương cảm. Làm sao mà không mủi lòng khi con sói hiện ra với bộ mặt lấm lét, cơ thể gầy giơ xương, luôn bị truy đuổi, một loài vật hoang dã vừa là thủ phạm lại vừa là nạn nhân của cuộc sống khốn cùng?

Vậy nguyên tắc lí luận có thể rút ra từ hai cách nhìn trên đây là gì ? Nếu khoa học phát hiện ra những đặc điểm sinh học có tính chất bản năng, lấy phẩm chất người và lợi ích đối với con người làm tiêu chí để nhìn nhận loài vật nói riêng (và sinh vật nói chung) thì sáng tác văn chương từ những rung động của con người mà xây dựng, tạo ra những hình tượng về loài vật. Chính vì vậy, hình tượng trong sáng tác văn chương luôn mang tính đa nghĩa nhờ vào những tư tưởng không đơn điệu, một chiều. Sự sinh động, hàm súc cũng từ đó mà ra.

2. Về nghị luận văn chương.

Có thể xem đây là một bài nghị luận văn chương mẫu mực. Trước hết, xét về mặt kết cấu, bài văn chia làm hai phần. Ở phần thứ nhất, đó là cách nhìn khác nhau của khoa học và văn chương về cùng đối tượng : sói và cừu. Còn ở phẩn thứ hai : cái nhìn nhân bản của vãn chương làm đa dạng và phong phú hơn cho cái nhìn của những nhà khoa học. Về kết cấu, như thế là rất chặt chẽ theo phương pháp quy nạp, từ cụ thể đến khái quát, từ hiện tượng đến quy luật. Trong một bài văn, để đảm bảo tính nguyên khối, không thể không nói đến vai trò của việc chuyển ý, chuyển đoạn. Nhưng chuyển ý, chuyển đoạn nếu thực hiện máy móc thì hiệu quả không cao. Muốn vậy, nó phải sinh động, không cứng nhắc, máy móc. Ở đây H. Ten đã có một nhịp điệu ngôn từ uyển chuyển. Viết về con cừu, tác giả nêu ý kiến của Buy-phồng trước, La Phông-ten sau, còn khi viết về con sói, tác giả đã đảo ngược vị trí của nhà khoa học và nhà thi sĩ cho nhau. Mạch ý của đoạn văn do đó không những không mất đi sự liên tục mà ngược lại, nó được nhấn mạnh và tạo hứng thú cho người đọc, người nghe. Sau khi viết về cái nhìn của nhà thơ về con cừu đáng thương, câu chuyển ý về con sói thật tài tình : "Còn chó sói, bạo chúa của cừu, trong thơ ngụ ngôn La Phông-ten, cũng đáng thương chẳng kém". Còn cách trình bày luận điểm, khi miêu tả từng con vật, tác giả H. Ten dùng biện pháp đối lập và nâng cấp, chỉ có điều biện pháp đối lập trong văn nghị luận thường nhằm mục đích bác bỏ, còn ở trong bài văn đang phân tích, nó làm nhiệm vụ điều chỉnh, bổ sung. Chẳng hạn, khi viết về cái nhìn của Buy-phông, H. Ten viết : "Mọi chuyện ấy đều đúng, nhưng các con vật đó còn thân thương và tốt bụng nữa". Còn cách nâng cấp cũng rất tự nhiên, chẳng hạn nói về tính cách của loài sói : "Chó sói thù ghét mọi sự kết bè kết bạn, thậm chí ngay cả với đồng loại chó sói của nó", về ngôn ngữ, để diễn đạt một chân lí, ngôn ngữ của bài văn trong sáng giản dị, không có một câu nào rơi vào tình trạng hoa mĩ, cầu kì. Do đó sức thuyết phục của nó khá cao. Những khái niệm sách vở phức tạp nặng nề đã trở nên dễ hiểu. Tuy vậy, đạt đến sự dễ hiểu này, người viết đã suy ngẫm về vấn đề cần viết rất sâu và rất lâu. Không chỉ thế, do yêu cầu của mỗi đơn vị (luận điểm) của bài văn khác nhau, ngôn ngữ cũng không giống nhau. Ví dụ những câu cuối cùng nhằm thâu tóm, đúc kết ý tướng của toàn bài, ngôn ngữ không còn là tường thuật, miêu tả, nó phải là một sự "đóng đinh" trong nhận thức của người đọc, người nghe. Trong trường hợp này, sự so sánh phải mang dến những ấn tượng không thể nào quên về đặc điểm của sáng tạo văn chương : "Ông để cho Buy-phông dựng một vở bi kịch về sự độc ác, còn ông (La Phỏng-ten) dựng một vở hài kịch về sự ngu ngốc". 

Nghị luận văn chương tuy là một thể loại nghiên cứu, phê bình nhưng đối tượng của kiểu bài rất rộng. Ở trường hợp bài văn này, nó là một vấn đề lí luận có sức khái quát cao. Tuy nhiên, trình bày sáng tỏ, rõ ràng như thế bằng bố cục, cách chứng minh, một giọng điệu gần gũi, nhẹ nhàng như thế, tác giả đã thành công. Bài văn đã là một mẫu mực.

Cảm nhận về bài Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La-phong- ten – Bài làm 3

Văn bản “Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten , là của Hi-pô- lít Ten (1828-1893), viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp, nhà nghiên cứu văn học, vị triết gia, sử gia lỗi lạc của Pháp trong thế kỉ XIX.

Qua văn bản này, tác giả đã chỉ ra sự khác nhau giữa Buy-phông (1707-1788) nhà vạn vật học và La Phông-ten (1621-1695), nhà thơ ngụ ngôn Pháp khi nói về con chó sói và con cừu.

1. Phần thứ nhất nói về con cừu

Buy-phông trong công trình khoa học của mình, ông đã mô tả và chỉ ra những đặc tính tự nhiên của con cừu như ngu ngốc và sợ sệt, hay tụ tập thành bẫy, co cụm lại với nhau, sợ sệt và đần độn. Chỉ biết đứng nguyên trong mưa hay trên tuyết. Chỉ biết làm theo con đầu đàn; nếu không bị gã chăn cừu thôi thúc hay bị chó xua đi.

Còn La Phông-ten trong bài thơ ngụ ngôn của mình, ông đã chỉ ra đời sống tâm hồn của con cừu. Con cừu rất thân thương và tốt bụng Nghe tiếng cừu con kêu thì cừu mẹ liền chạy tới, nó có thể nhận ra con mình trong đàn cừu, nó đứng yên trên miền đất lạnh và bùn lầy cho con bú xong, với vẻ nhẫn nhục, mắt nhìn lơ đãng. Có thể nói, hình tượng con cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten còn ngụ ý về tình mẫu tử và đức hi sinh của người mẹ trong cuộc đời. Đúng như Hi-pô-lít Ten đã nói: “La Phông-ten đã động lòng thương cảm với bao nỗi buồn rầu và tốt bụng như thế…”

2.Phần thứ hai nói về con sói.

Chó Sói trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten là một tên trộm cướp nhưng khốn khổ và bất hạnh. Mắt thì lấm lét, cơ thể gầy gò, bị truy đuổi. Nó là một gã vô lại, luôn luôn đói dài và luôn luôn bị ăn đòn.

Buy-phông đã nỗi lên bản năng của chó sói, một thú dữ, hoang dã. Chúng chỉ biết kết bầy lúc săn mồi, khi cuộc chinh chiến đã xong xuôi thì mỗi con một nơi, sống lặng lẽ và cô đơn. Bộ mặt lấm lét, dáng vẻ hoang dã, tiếng hú rùng rợn, mùi hôi gớm ghiếc… là đặc tính tự nhiên của loài sói.

Sói trong thơ La Phông-Ten là một bạo chúa. Hắn vu khống đặt điều. Hắn gầm lên. Và cuối cùng “Sói nhai Chiên nhỏ, chẳng cần đôi co”. Nếu nhà bác học Buy- phông chỉ nhìn thấy sói là con vật có hại thì nhà thơ với đầu óc phóng khoáng và trí tưởng tượng đã phát hiện rạ những khía cạnh khác: con sói độc ác mà khổ sở, thường bị mắc mưu, vụng về, bị đói meo, và vì đội mà hoá rồ!

Buy-phông "dựng một vở bi kịch về sự độc ác" (thú dữ hoang dã), còn La Phông-ten “dựng một vở hài kịch về sự ngu ngốc" (bị đói khát, mắc mưu và ăn đòn).

Qua sự so sánh và khám phá, văn bản của Hi-pô-lít Ten đã chỉ ra sự khát biệt giữa hai loại văn bản khoa học và văn bản nghệ thuật. Văn bản khoa học đi sâu cứu những đặc điểm tự nhiên, rút ra những phán đoán về đặc tính, về tính chất: sự vật. Văn bản nghệ thuật xây dựng hình tượng, miêu tả đời sống tâm hồn.

"Chó sói và cừu ” trong thơ ngụ ngôn là một văn bản nghệ thuật. Chó Sói là một bạo chúa, độc ác, quỷ quyệt. Cừu là một thần dân, một vật tế thần đau khổ, đáng thương.

Học thơ văn, ta cần nắm rõ đặc trưng của văn bản nghệ thuật, đó là ngôn ngữ hình tượng và biểu cảm được tưởng tượng, hư cấu.

Thu Thủy (Tổng hợp)

 

 

Phân tích bài Chó sói và Cừu trong thơ ngụ ngôn La Phông-ten – Văn mẫu hay lớp 9
Đánh giá bài viết
Loading...
LIKE ỦNG HỘ TÁC GIẢ