Xem nhanh nội dung
- 1 Vào đại học liệu có phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên? – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Đồng Tháp
- 2 Vào đại học liệu có phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên? – Bài làm 2
- 3 Vào đại học liệu có phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên? – Bài làm 3
- 4 Vào đại học liệu có phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên? – Bài làm 4
Vào đại học liệu có phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên? – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Đồng Tháp
Vào đại học có phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên? Đây là một vấn đề thời sự khá lí thú.
Sau 12 năm đèn sách, người học trò mong, bố mẹ mong, bạn bè mong, thầy cô giáo mong: mình sẽ thi đỗ vào một trong những trường cao đẳng, hoặc đại học. Thi đỗ là một vinh dự, là niềm hạnh phúc to lớn đối với người học sinh lớp 12 Trung học phổ thông.
Các nhà nho ngày xưa xem chuyện thi cử là "nợ cầm thư”, “hội gió mây". Nguyễn Công Trứ có bãi thơ Đi thi tự vịnh đầy hăm hở, chí khí đua tài của kẻ sĩ.
Đi thi há lẽ trở về không,
Cái nợ cầm thự phải trả xong.
Muốn thi đỗ thi phải “nấu sử sôi kinh”, phải “thức khuya dậy sớm” đèn sách, rèn luyện. Trái ngọt hạnh phúc phải đổ nhiều công sức mới hái được. Còn học hành chấm chớ, học ít chơi nhiều, học ngồi nhầm lớp sẽ thi hỏng, nhất định hỏng. Hỏng thi là nỗi nhục, nỗi buồn. Tú Xương từng trải qua “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy” nên đã thở than ‘Thi không ăn ớt thế mà cay!”.
Có bạn hỏng thi rồi nói: “Vào đại học đâu phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên”. Tôi e rằng lời tuyên bố đó chỉ là một sự chữa thẹn, không thực lòng. Có điều hỏng thi nhưng không nên tuyệt vọng, nản chí..Bài học “thất bại là mẹ thành công” rất quý báu. “Thua keo này bày keo khác", ta ôn tập lại để thi tiếp năm sau. Hoặc không đỗ đại học, ta học cao đẳng: không đỗ cao đẳng ta học trung học chuyên nghiệp, học nghề. Ta phải biết tự học để vươn lên.
Chị gái tôi năm đầu thi đại học bị hỏng. Chị khóc và bỏ cơm mấy ngày. Bố mẹ khuyên, chị cố gắng ôn tập. Năm sau chị thi đỗ vào trường Đại học Y khoa Hà Nội. Con chú tôi chỉ học cao đẳng mà nay đã đi làm, lương khá cao, đang vừa làm vừa học đại học tại chức.
Tóm lại, tôi cho rằng vào đại học không phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên. Nhưng đi học, nếu có mục tiêu thi và vào đại học, cao đẳng thì phải phấn đấu học tập để thi đỗ. Dù có học đại học hay không thì mỗi thanh niên đều phải phấn đấu lập thân, lập nghiệp để trở thành người có ích cho xã hội.
Vào đại học liệu có phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên? – Bài làm 2
Trong xã hội hiện đại ngày nay, mỗi người đều muốn tìm cho mình một công việc phù hợp. Việc học tập, rèn luyện để vào được trường đại học đang là mong muốn của hầu hết thanh niên, học sinh. Quả đúng là học tập sẽ giúp con người có được thành công và tạo dựng được một tương lai tốt đẹp. Nhưng liệu vào đại học có phải là con đường lập thân duy nhất của mỗi thanh niên, học sinh hiện nay không?
Cổng trường đại học là cái đích đến mà phần lớn học sinh và các bậc phụ huynh mong muốn. Sau những năm tháng miệt mài đèn sách, mỗi cô cậu học trò đều ao ước được trở thành những sinh viên năng động và tràn đầy nhiệt huyết. Bố mẹ nuôi dưỡng, chăm lo cho con cái đến trường học tập rèn luyện cũng chỉ mong sau này con mình đỗ đại học để có tương lai tươi sáng. Sau biết bao năm tháng dạy dỗ, dìu dắt, thầy cô mãn nguyện khi học sinh báo tin đỗ đại học.
Sau kì thi, những học sinh không đỗ đại học thường rất bi quan và thất vọng vì họ tự cho rằng đã phụ lòng bố mẹ, thầy cô và nhất là họ nghĩ mình sẽ không thể làm việc được gì với một tương lai mù mịt. Nhưng rõ ràng đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. Những học sinh không đỗ đại học có thể đi học nghề, kiếm cho mình một công việc phù hợp với khả năng. Nếu ta không thể trở thành thầy giỏi thì ta vẫn có cơ hội trở thành thợ giỏi. Dù học đại học hay không thì mục đích cuối cùng của việc học là có được ngành nghề ổn định. Dù không đỗ đại học, chúng ta vẫn có thể tìm được cho mình một hướng đi. Hiện nay, có rất nhiều trường dạy nghề được mở ra thu hút các bạn trẻ theo học. Chúng ta có thể chọn một chuyên ngành phù hợp. Sau khi học mấy năm, bạn sẽ có tay nghê vững vàng và có thể tìm việc làm.
Ngày nay, quan niệm đặt bằng cấp lên trên hết là chưa thực sự đúng đắn.Bởi vì công việc nào cũng cần thực lực. Có nhiều trường hợp, sinh viên tốt nghiệp đại học mà không kiếm được việc làm vì nhiều lí do. Có thể là do các ngành họ theo học đang quá thừa nhân lực, hoặc trình độ của bản thân không đáp ứng được đòi hỏi của công việc. Thực tế cho thấy gần đây, sinh viên ra trường thất nghiệp rất nhiều, có người cầm bằng đại học mấy năm trời về rồi cũng đành mở một cửa hàng để kinh doanh, cũng có người tốt nghiệp đại học rồi đi xuất khẩu lao động. Do đó, đã đến lúc các bạn học sinh và cha mẹ cần xem xét lại định hướng nghề nghiệp, gỡ bỏ dần tâm lí phải đỗ đại học để tránh tạo áp lực cho chính mình.
Mỗi người có một cách nghĩ khác nhau về vấn đề lập nghiệp, chọn con đường nào để đi thì cái đích cuối cùng cũng là để tìm kiếm một công việc tốt, xây dựng tương lai tươi sáng. Nhưng dù thế nào, ta cũng nên nhìn khả năng của chính bản thân mình để chọn đường đi đúng đắn. Phải biết thế nào là phù hợp và tốt nhất cho mình. Thành công trước hết cho mọi thành công là chiến thắng bản thân, hãy tự nhủ rằng mình sẽ làm được và cố gắng hết sức.
Vào đại học liệu có phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên? – Bài làm 3
Vào đại học không phải là con đường duy nhất để tuổi trẻ lập thân và lập nghiệp. Người xưa, cần phải lập công và thi cử thì mới có thể lập thân và lập nghiệp được, nhưng giới trẻ hiện nay có rất nhiều cơ hội đẻ lập nghiệp, để phát triển, thể hiện bản lĩnh, năng lực của mình, và trong đó học nghề là một ưu thế.
Hiện nay Đảng và Nhà nước rất quan tâm chú trọng đến việc đào tạo và phát triển nghề cho thế hệ trẻ để khắc phục tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Nhưng điều quan trọng nhất là tìm cho mình một nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, nhu cầu và điều kiện xã hội là điều vô cùng quan trọng.
Giới trẻ hiện nay thường chọn những nghề thời thượng, chạy theo xu hướng của xã hội, do vậy, tìm được công việc phù hợp với bản thân và có thu nhập ổn định là điều không dễ. Hơn nữa nhu cầu lao động tốt nghiệp đại học bao giờ cũng thấp hơn so với lao động tốt nghiệp trường đào tạo dạy nghề. Và như vậy thì việc lựa chọn trường dạy nghề với chi phí đào tạo thấp, đỡ gánh nặng cho gia đình, thời gian đào tạo ngắn để có cơ hội làm việc cao hơn là điều rất đúng đắn.
Có rất nhiều nghệ nhân, nhờ tiếp nối sự nghiệp của cha ông mà có cuộc sống thành đạt, có sự nghiệp tương lai vững chắc. Họ thành công không từ con đường đại học.
Một nước phát triển như Đức, số học sinh tham gia thi vào các trường đại học ngày càng giảm và vào trường nghề đào tạo ngày một tăng là do nước họ có hệ thống dạy nghề tốt nhất thế giới. Như vậy thì tất nhiên đời sống của công nhân được đảm bảo rất tốt về vật chất và tinh thần không thua kém gì những người có bằng cấp đại học
Trong điều kiện xã hội như hiện nay, cũng như trong xu thế phát triển đất nước, dù vào đại học không phải là con đường duy nhất nhưng vẫn là con đường tốt nhất cho thế hệ trẻ. Có rất nhiều người dù đã có nghề ổn định nhưng vẫn theo đuổi ước mơ, khát vọng có được tấm bằng đại học, bằng cách tham gia học tại chức. Những ngày vừa qua dân cư mạng ai cũng khâm phục ước mơ thi đỗ vào đại học của sĩ tử Nguyễn Văn Minh 62 tuổi đã từng 5 lần thi đại học vào ngành vật lí của trường Đại học Khoa học Huế. Và bất ngờ hơn nữa ông vẫn khẳng định sẽ tiếp tục thi nếu không đỗ chỉ vì mong muốn ham học.
Khi tốt nghiệp đại học, những cơ hội cho nghề nghiệp, cuộc sống thành đạt sẽ tốt và đầy đủ hơn. Có cơ hội được tiến thân, khẳng định năng lực và bản lĩnh của mình đặc biệt trong trong thời đại công nghệ thông tin và phát triển như vũ bão hiện nay, việc nâng cao trình độ và nguồn nhân lực là rất cần thiết và là một xu thế tất yếu của các bạn trẻ hiện nay. Do vậy có được tấm bằng đại học vẫn là một ước mơ chính đáng của giới trẻ.
Có nhiều con đường đến với thành công. Vào đại học là một trong những con đường đó. Nhưng đôi khi, người ta bị ánh sáng của con đường này làm mờ mắt, lầm tưởng đó là con đường độc đạo mà quên mất rằng, còn nhiều con đường khác.
Vào đại học liệu có phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên? – Bài làm 4
Học đại học, ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng có khả năng và điều kiện để học đại học, người có tiền thì không có tài, không thi nổi vào một trường đại học nào, người có kiến thức, có chí hướng thì điều kiện, hoàn cảnh gia đình không cho phép học đại học, măc dù hiện nay nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ giúp đỡ các bạn học sinh thực hiện ước mơ đại học nhưng thực tế thì còn rất nhiều em vì hoàn cảnh gia đình mà ngậm ngùi bỏ lỡ giấc mơ. Nhưng các bạn hãy nhìn vào thực tế sẽ thấy, không phải bạn nào học đại học ra cũng là đã thành công. Sau 4,5 thậm chí 6, 7 năm ngồi trên mái trường đại học, cầm tấm bằng cử nhân, kỹ sư ra trường không phải ai cũng kiếm được việc làm, đôi khi tìm được việc làm thì lại không đúng chuyên môn hay lĩnh vực mà mình được đào tạo, thử hỏi như thế hứng làm việc ở đâu ra và làm việc liệu có tốt được không?
Không học đại học, chúng ta có thể học nghề, hiện nay có rất nhiều trung tâm, nhiều trường dạy nghề, không chỉ dạy nghề những trung tâm này còn tạo điều kiện việc làm cho học viên, nhiều bạn có tay nghề giỏi đã rất thành công trong cuộc sống. Thậm chí không học đại học chúng ta có thể làm nông nghiệp, đừng cười vì nghĩ cuộc đời sẽ là “con trâu đi trước, cái cày đi sau”, không, không, làm nông nghiệp hiên nay bào gồm cả chăn nuôi chuồng trại, thời buổi ngày nay máy móc phát triền, làm nông nghiệp nhàn hơn xưa rất nhiều, bạn có thể vay vốn nhà nước để làm trang trại, chăn nuôi bò, lợn,… không có gì là quá khó, khởi đầu có thể không thuận tiện nhưng càng làm ta sẽ có kinh nghiệm để tích lũy, ban đầu sản xuất nhỏ, khi có kinh nghiệm thì mở rộng hơn, thực tế có rất nhiều “ông chủ” đã và đang tiếp tục làm giàu bằng nông nghiệp. Làm công nhân cũng là một con đường mà rất nhiều bạn trẻ đã chọn, tất nhiên công nhân không có tay nghề, không có kinh nghiệm lương không cao và làm việc cũng vất vả, nhưng chỉ cần chăm chỉ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, làm thêm, làm tăng ca, thì đảm bảo thu nhập của bạn cũng sẽ rất khá và như thế vẫn còn tốt hơn những kẻ lông bông ăn bám bố mẹ, hay những kẻ bán rẻ lương tâm để kiếm tiền.
Xã hội bây giờ vẫn coi trọng người có bằng cấp, đó là điều ai cũng biết, nhưng tại sao người ta cứ nghĩ tới bằng cấp mà không nghĩ rằng cái bằng đó do đâu mà có, có phải do đúng sự cố gắng học hành mà có không. Chính vì việc này nên nước ta hiện nay trường đại học, cao đẳng mọc lên như nấm sau mưa rào, nhiều trường thậm chí người ta không nộp hồ sơ thi, không thi, chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT là gửi giấy báo trúng tuyển. chất lượng đầu vào của sinh viên quá thấp thì dù điều kiện dạy học có tốt tới đâu, chất lượng đầu ra của sinh viên cũng không cao được. Học tại những trường đó ra khi cầm tấm bằng đi xin việc chắc chắn chỉ nhận được cái lắc đầu của các công ty, doanh nghiệp mà thôi. Như thế chẳng phải bạn đã phí thời gian để rồi không được gì sao, chi bằng dành thời gian đó để làm cái khác có ích hơn cho bản thân và xã hội có tốt hơn không. Rồi người ta nghĩ học đại học thì “tư cách con người” sẽ tốt hơn những người không học đại học, nhưng đó là một quan điểm sai lầm, nhân cách không quyết định bằng việc học đại học. Nói đâu xa, như Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, đó học đại học, cao đẳng mà làm những việc vi phạm pháp luật, những việc mà dù biêt sai trái đấy, đáng khinh bỉ coi thường đấy thế mà vẫn làm, nghĩ rằng đó là yêu nước nhưng tới một người thất học người ta còn biết thế nào là yêu nước nói gì một sinh viên có học hành tử tế, ngụy biện mà cũng không có lý do phù hợp. Hay như Cù Huy Hà Vũ, tiến sỹ hẳn hoi đấy mà vẫn làm phản động, thậm chí chống đối tới cùng, vào tù rồi vần nghĩ cách chống đối. Đó, như thế thì học đại học, cao đẳng mà để làm gì.
Tất nhiên, không phải nói như thế mà các bạn lại không tiếp tục học để thực hiện ước mơ đại học của mình, các bạn hãy cố gắng để vào được các trường đại học tên tuổi, có truyền thống, còn những ai không có khả năng, không có điều kiện thì hãy tìm cho mình một hướng đi đúng đắn, hợp lý để trang trải cuộc sống trước mắt, sau này sẽ tìm cơ hội học sau, dù cho ngã rẽ cuộc đời của chúng ta có thẳng, có cong, dù làm gì, thì tôi, các bạn hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trước hết để làm người.
Thu Thủy (Tổng hợp)